“Cái ao” ấy người Thái đã thống trị từ năm 1993 đến nay và được xem là ông kẹ của bóng đá Đông Nam Á. Cũng trong “cái ao” ấy, bóng đá Việt Nam có đến 4 lần lọt vào chung kết để rồi bị chặn đứng bởi người Thái (3 lần) và Singapore (1 lần). Bây giờ, “cái ao” ấy đang có sự xáo trộn lớn khi cả Thái Lan lẫn Việt Nam đều đứng ngoài cuộc chơi.
Với kết quả chiều qua, danh sách và các cặp đấu bán kết giờ đã được xác định. Myanmar soán ngôi người Thái gặp Singapore trong khi Indonesia với thành tích chưa lọt lưới sẽ gặp Malaysia ở bán kết. Bất ngờ lớn nhất trong “cái ao” Đông Nam Á là ông kẹ Thái Lan bị loại sớm và Việt Nam đầy tham vọng chịu dừng bước trên sân nhà trước Singapore và Indonesia.
Lạ lùng nhất là Myanmar, đội bóng đã mạnh dạn trẻ hóa cầu thủ từ Tiger Cup 2002 với tuổi bình quân 21,5 giờ là một ẩn số thú vị. Họ làm các ông lớn phải giật mình với tinh thần chiến đấu cao và một lối chơi giàu nghị lực luôn chiến đấu đến phút chót đồng thời đặt hai anh cả Thái Lan – Malaysia vào một trận tử chiến. Ngôi vua của người Thái đã bị truất phế và lần đầu tiên ông kẹ này không vào được bán kết.
Malaysia vào bán kết không phải vì họ mạnh mà là vì người Thái tự giết mình với một lối chơi yếu kém về nhiều mặt và non kém kinh nghiệm sau khi hàng loạt các cựu binh rời đấu trường quốc tế. Indonesia lên chân thấy rõ dưới triều đại Peter Withe và đến nay, họ là đội duy nhất chưa bị thủng lưới.
Singapore xuất hiện với một cuộc Âu hóa ở hàng thủ và Phi hóa trên hàng công với lối chơi không thua trước đã. Họ không cho thấy một sức hút của bóng đá tấn công mà chú trọng nhiều vào phương án không cho đối phương ghi bàn rồi mới tính đến việc ghi bàn vào lưới đối phương. Với lối chơi ấy, Việt Nam phải chấp nhận cưa điểm và đó lại là bi kịch của chủ nhà khi phải tử chiến với Indonesia.
Bản đồ bóng đá Đông Nam Á đã được sắp xếp lại và Tiger Cup này đã chứng minh điều ấy. Lâu nay, Thái Lan được đặt ở chiếu trên; tầng lửng là Việt Nam, Indonesia, Malaysia và tầng dưới là Myanmar và các đội khác. Bây giờ thì tất cả đã đảo lộn. Sự thay đổi phần lớn vì các đội được đánh giá cao như Thái Lan, Việt Nam có vấn đề cùng với những điều chỉnh đáng kể ở “tuyến dưới”.
Trong thất bại của hai ông lớn, nếu người Thái có hẳn một chủ trương trẻ hóa lúc giao thời thì Việt Nam lại lẫn lộn giữa một thế hệ cựu binh và các cầu thủ trẻ. Nếu cái thua của người Thái là do thiếu kinh nghiệm thì Việt Nam lại thua bởi cả một quá trình định hướng xuyên suốt theo kiểu “đẽo cày giữa đường”.
Sau chiếc huy chương bạc SEA Games và gặt hái là lứa cầu thủ trẻ U-23, bóng đá Việt Nam đã tính đến việc đầu tư cho một thế hệ trẻ và xem đấy như một biện pháp đổi máu tích cực nhất. Thế nhưng sau đó thì tất cả đều quay ngoắt lại khi “mất” Calisto rồi tiếp theo là hụt Alfred Riedl và “xẩy” Peter Withe để rồi phải ký hợp đồng vội vã với Tavares. Đội tuyển Việt Nam với mục tiêu trẻ hóa đã chuyển hướng bởi quyết định của thầy ngoại.
“Cái ao” Đông Nam Á đang có những chuyến biến mà sự phân cấp trước đây chỉ là tương đối. Người Thái mất đi thế mạnh bá chủ, Việt Nam sốc nặng khi đặt mục tiêu cao nhất lại là lúc gãy nặng nhất. Mỗi một thất bại có một nguyên nhân riêng nhưng đấy thực sự là bất ngờ trong mặt bằng bóng đá Đông Nam Á bởi chỉ mới 1 năm trước đấy là hai đại biểu vào sâu nhất SEA Games 22 và gặp nhau trong một trận chung kết kịch tính.
Đấy cũng là sự chông chênh dễ vỡ của bóng đá Đông Nam Á, một nền bóng đá được xem là vùng trũng của thế giới mà ở đấy chỉ mới có người Thái dám nghĩ xa hơn “cái ao” ấy (để rồi bây giờ bị các em út hạ bệ).
Thế mới biết chẳng có gì là tuyệt đối kể cả những trật tự trong một “cái ao” bé tí xíu.
Nguyễn Nguyên