Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) là hội chứng cấp tính xảy ra do dùng phải thức ăn có chất độc. Tác nhân gây NĐTP có thể do các độc tố của vi khuẩn thường gặp như Salmonella, E. Coli; do nhiễm virus hay ký sinh trùng; hay do thực phẩm bị nhiễm độc (chất hóa học, chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm hoặc do thực phẩm bị biến chất sinh ra). Hậu quả của NĐTP thường gặp trong trường hợp nhẹ là bị mất nước, mệt mỏi; trường hợp nặng gây sốc, thậm chí tử vong.
Các biểu hiện khi cơ thể bị NĐTP bao gồm: buồn nôn, nôn nhiều lần hay liên tục; đau bụng, tiêu chảy, tiêu ra máu, sốt. Dấu hiệu mất nước bao gồm mệt mỏi, khát nước, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, lú lẫn, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ.
Ở giai đoạn nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và biểu hiện bằng các dấu hiệu như tiêu phân lỏng trên 6 lần ngày, tiêu ra máu, ói ra máu, sốt trên 38,5 độ không giảm sau 24 giờ, đau bụng dữ dội…
Ngay khi có các dấu hiệu của NĐTP, người bệnh nên bù đủ dịch sớm (nhất là ở người già và trẻ em) bằng uống dung dịch có chất điện giải, ăn thức ăn lỏng, nhẹ và ít chất béo. Khi các dấu hiệu tăng lên đến mức báo động, phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Tai nạn do pháo nổ
Nếu bản thân hoặc người nhà bị tai nạn do pháo nổ trong dịp tết, bạn cần thực hiện cách bước sơ cứu sau đây: Đối với chấn thương ở mắt, nếu nạn nhân bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra ngoài, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt, sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch.
Trường hợp bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay. Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định xương gãy và băng vết thương cẩn thận. Nếu bị bỏng da, làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Tai nạn giao thông
Vào các dịp lễ tết thường ghi nhận số ca tai nạn giao thông (TNGT) cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Khi sơ cứu người bị TNGT, nên di chuyển nạn nhân đến khu vực an toàn bằng cách kéo hai chân và luôn giữ cố định vùng đầu cổ. Không nên vận chuyển nạn nhân bằng xe máy, cõng, bế… vì nguy cơ gây tổn thương nặng hơn. Khi tai nạn xảy ra, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất. Cần mô tả chi tiết số người, mức độ nặng của nạn nhân, vị trí chính xác của hiện trường vụ TNGT.
Trong lúc chờ cấp cứu, có thể sơ cứu nạn nhân bằng cách kiểm tra đường thở, nhịp thở và mạch ở vùng cổ của nạn nhân, để có xử trí thích hợp; băng ép vết thương mạch máu; cố định cột sống, xương gãy; băng vết thương bằng gạc hay vải sạch và không cố gắng rút bỏ dị vật cắm trên người nạn nhân.