Cách xét tuyển mới khiến điểm chuẩn cao

Việc điểm chuẩn tuyển sinh năm nay của nhiều ngành, nhiều trường cao kỷ lục đang tạo sự quan tâm của dư luận, với những ý kiến trái chiều. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Các chuyên viên tuyển sinh đang chạy lọc ảo chiều ngày 28-7. Ảnh: THANH HÙNG
Các chuyên viên tuyển sinh đang chạy lọc ảo chiều ngày 28-7. Ảnh: THANH HÙNG
° PHÓNG VIÊN: Vì sao năm nay mức điểm chuẩn lại cao kỷ lục vậy, thưa bà?

° Bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Theo thống kê chưa đầy đủ thì trên 90% điểm chuẩn các ngành đào tạo của các trường ĐH đều nằm trong khoảng từ 18 - 26 điểm; chỉ có một số ngành thuộc các trường khối công an, quân đội và ngành y đa khoa của một số trường ĐH danh tiếng có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên, thậm chí 30,5 điểm. Bên cạnh đó, cũng còn khá nhiều ngành điểm trúng tuyển bằng với “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT (15,5 điểm). 

Điểm trúng tuyển cao ở một số ít ngành đào tạo có nguyên nhân chính là do phương thức xét tuyển ĐH năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được lựa chọn ngành học mà các em yêu thích, chứ không phải lựa chọn trường ĐH để có thể đậu. Cụ thể, quy chế tuyển sinh năm 2017 quy định việc xét bình đẳng giữa các nguyện vọng (NV), mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một NV duy nhất, vì vậy việc các thí sinh đổ dồn vào các ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều hết sức dễ hiểu. Bên cạnh đó, các trường khối công an, quân đội thu hút nhiều thí sinh điểm cao trong các năm trước thì năm nay giảm rất nhiều chỉ tiêu (khối công an giảm hơn 54% chỉ tiêu, khối quân đội giảm hơn 32% chỉ tiêu), nên điểm trúng tuyển tăng cao hơn năm trước. Ngoài ra, việc nhiều trường công bố điểm trúng tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên và nhiều trường/ngành có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40 đã tạo ra cảm giác điểm trúng tuyển rất cao. Nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp 3 môn thi, do có 1 môn được tính điểm hai lần trong điểm tổ hợp xét tuyển hoặc đã bao gồm điểm ưu tiên…

° Có trường hợp một thí sinh ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổng điểm là 29,15 (làm tròn thành 29,25) vẫn trượt ngành Y Đa khoa - ĐH Y Hà Nội vì thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của trường. Dư luận đặt câu hỏi: Có công bằng không khi mà thí sinh bị trượt vì không có điểm ưu tiên (ở khu vực 3), còn những thí sinh ở khu vực 1 chỉ đạt 25,75 điểm, nhưng nhờ được cộng 3,5 điểm ưu tiên (thành 29,25 điểm) nên đậu?
° Trước kỳ xét tuyển, bộ, sở, các trường, báo chí đều đã tuyên truyền rất nhiều việc thí sinh nên chọn trường/ngành mà mình yêu thích, nhưng cũng cần chọn một số trường có mức điểm phù hợp với mức điểm thí sinh đã đạt được. Tức là cần đăng ký trường cao để phấn đấu, có trường vừa sức để nâng cao khả năng trúng tuyển, có trường thấp hơn để phòng rủi ro. Ví dụ, nếu thích ngành y đa khoa, các em đăng ký vào ĐH Y Hà Nội nhưng vẫn có thể chọn thêm các trường Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y Thái Nguyên...  để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên phù hợp. Tất cả các trường này đều lấy thấp hơn mức 29,25 điểm nên chắc chắn sẽ đậu vào ngành yêu thích. Nếu chọn ĐH Y Hà Nội là nguyện vọng duy nhất hay cuối cùng thì rõ ràng tỷ lệ rủi ro rất cao.
Đó là chưa kể, quy chế đã cho thí sinh được thay đổi NV xét tuyển sau khi biết điểm thi, khi các em đã biết được phổ điểm thi, tức là biết tương quan điểm với những người cùng thi. Thí sinh đạt 29,25 điểm vẫn trượt là trường hợp cá biệt rất đáng tiếc. Còn chính sách cộng điểm ưu tiên thì đã được thực hiện nhiều năm nay. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… thì chính sách ưu tiên là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội.

Tin cùng chuyên mục