Cuộc khủng hoảng bị lãng quên
Xung đột, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và bất bình đẳng là một trong những nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xung đột ở nhiều điểm nóng tiếp tục gây ra khủng hoảng đói. WHO cho biết hơn 1 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính ở CHDC Congo khi bạo lực gia tăng buộc hàng triệu người phải di dời. Theo TS Adelheid Marschang, quan chức cấp cao của WHO, CHDC Congo hiện có số người cần viện trợ nhân đạo cao nhất thế giới, với 25,4 triệu người bị ảnh hưởng.
Dù vậy, tình hình ở nước này vẫn là một trong những cuộc khủng hoảng bị lãng quên nhất trên thế giới. Theo dữ liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), tại Sudan, khoảng 26,6 triệu người, hơn một nửa dân số, không được đảm bảo an ninh lương thực. Giao tranh liên tục giữa quân đội nước này và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), diễn ra kể từ tháng 4-2023, tiếp tục cản trở hoạt động của các tổ chức viện trợ. Hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu lưu ý, các quốc gia chưa thể huy động đủ nguồn lực để tài trợ các chính sách, chương trình và biện pháp can thiệp cần thiết để xóa đói. SOFI 2024 nêu rõ các quốc gia có mức độ đói nghèo đáng báo động nhất có xu hướng là những quốc gia có ít khả năng tiếp cận tài chính nhất. Do tính chất phức tạp và đa ngành của an ninh lương thực và dinh dưỡng, bối cảnh tài chính phải được đánh giá toàn diện hơn.
Khuyến nghị
Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu đã đề xuất 3 chủ đề chính có thể cải thiện hiệu suất tài chính phát triển. Đầu tiên, sự phối hợp và đồng thuận, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc nhắm mục tiêu tốt hơn cho những người cần nhất. Thứ hai, các nhà tài trợ và đối tác toàn cầu khác nên chấp nhận rủi ro hơn và tham gia vào các hoạt động giảm thiểu rủi ro. Ông lưu ý rằng điều đó phù hợp với bản chất của chính các hệ thống nông sản thực phẩm, vốn hoạt động trong tình trạng rủi ro và những bất ổn đang tiếp tục gia tăng. Cuối cùng, nên có nhiều nguồn tài trợ hỗn hợp hơn vì phạm vi của vấn đề cần giải quyết vượt quá khả năng của khu vực công.
Bên cạnh đó, nên có các biện pháp can thiệp nhằm tăng cường sản xuất lương thực ở địa phương, như tạo điều kiện cho tưới tiêu bằng điện, có thể chống lại tình trạng mất an ninh lương thực một cách hiệu quả. SOFI 2024 ước tính để đạt được SDG2 sẽ tiêu tốn khoảng 77 tỷ USD, tức chưa đến 1% GDP toàn cầu. Số tiền này vượt quá phạm vi khu vực công có thể đạt được, điều này cho thấy nhu cầu về nguồn tài chính hỗn hợp giữa tư nhân và công.
SOFI khuyến nghị các khoản tài trợ và khoản vay ưu đãi dành cho những nước có khả năng tiếp cận hạn chế, đặc biệt liên quan đến an ninh lương thực và dinh dưỡng. Các quốc gia có khả năng tiếp cận cao có thể sử dụng trái phiếu hoặc các công cụ tương tự để thực hiện các mục tiêu dinh dưỡng và an ninh lương thực cụ thể.