Tất nhiên, với khung cảnh ít trang trọng hơn so với Điện Elysée như vậy, sự lựa chọn địa điểm cho thấy cuộc gặp mang tính cá nhân nhiều hơn.
Đây là lần thứ ba tổng thống Nga - Pháp gặp nhau chính thức, sau lần đầu diễn ra ở Cung điện Versailles vào tháng 5-2017 và chuyến thăm Nga của Tổng thống Macron tại TP Saint-Petersburg một năm sau. Không tính những cuộc nói chuyện bên lề các hội nghị thượng đỉnh như G20 ở Osaka vào cuối tháng 6 vừa rồi hoặc tại Buenos Aires vào tháng 12-2018.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh chỉ 5 ngày nữa là đến ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 7 nước phát triển (G7, gồm Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Italy, Canada, Nhật Bản) tại Biarritz, dưới sự chủ trì của Pháp. Việc lựa chọn thời gian như vậy không phải ngẫu nhiên. Tổng thống Pháp muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc tham vấn về những vấn đề quốc tế lớn với Nga, mà không cần khôi phục lại vị trí của Nga trong nhóm, vốn đã bị loại vào năm 2014 sau vụ sáp nhập Crimea.
Theo Le Monde, Tổng thống Nga được đánh giá là biết sử dụng sức mạnh của mình và đặc biệt là tận dụng những điểm yếu của phương Tây. Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine nhấn mạnh: “Chúng ta phải thử vẽ lại bản đồ quan hệ thực tế hơn với Moscow trước khi Tổng thống Donald Trump thực hiện điều đó theo cách riêng của mình”.
Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Emmanuel Macron đã bắt tay vào một hành trình tinh tế, cho thấy ông sẵn sàng đối thoại với Moscow nhưng vẫn không quên nhắc lại các nguyên tắc cơ bản và lên án sự can thiệp của Nga. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đang giảm uy tín chính trị và Vương quốc Anh tập trung vào Brexit, thì Tổng thống Pháp trở thành người đối thoại tự nhiên thay mặt cho châu Âu. Ông Emmanuel Macron “là đại diện của một tập thể phương Tây”, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga nhận định ngắn gọn. Trong tầm nhìn đầy tham vọng của Tổng thống Emmanuel Macron, “châu Âu trong trật tự đa phương mà tôi đang bảo vệ cần phải định nghĩa lại về lòng tin và an ninh với Nga mà không cần thông qua NATO”, người đứng đầu nước Pháp khẳng định trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thụy Sĩ. Ông Macron cũng tuyên bố muốn “tái tham gia năng động” với Nga và nối lại “đối thoại chiến lược”. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Macron cho biết, có điều gì đó đang thúc đẩy quan hệ Nga - Pháp, và nhắn nhủ người đồng cấp Nga rằng “chúng ta có thể xây dựng nhiều điều”.
Tuy nhiên, ông Macron thừa nhận rằng, Nga vẫn còn một số việc phải thực hiện. Đầu tiên là về Ukraine và việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, được tài trợ bởi Paris và Berlin hồi tháng 2-2015, trong đó quan trọng nhất là thiết lập một lệnh ngừng bắn mong manh giữa Kiev và lực lượng đối lập. “Không có điều này, không có cải cách G8”, với sự tái gia nhập của Nga - Điện Elysée khẳng định. Một ưu tiên khác trong cuộc gặp ở Brégançon sẽ là chuyện Iran. Tổng thống Emmanuel Macron muốn Tổng thống Nga khuyên nhủ Iran thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, điều có thể sẽ giúp giảm nhiệt căng thẳng hoặc thậm chí là mở ra cánh cửa hòa giải giữa Tehran và Washington.
Thomas Gomart, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp nhận xét, về ngắn hạn, Tổng thống Emmanuel Macron cần Tổng thống Putin trong vấn đề Iran. Về lâu dài, ông muốn ngăn Nga ngả về Trung Quốc. Đó là một cách tiếp cận kép. Về ngoại giao: nhất thiết phải thông qua Putin trong các vấn đề nóng như Ukraine và Iran. Về địa chính trị là sự đánh dấu mối quan hệ lâu dài với Nga vốn đã được khai thông từ vài tháng nay.