Liên quan đến vụ “Tạm giam 11 nhân viên Công ty Luật Power Law chuyên cắt ghép ảnh, gọi điện vu khống để đòi nợ”, ngày 1-12, Công an TPHCM cùng Công an quận 12 đã làm rõ nhiều tình tiết liên quan đến Công ty này cũng như cách thức nhân viên thực hiện việc "khủng bố" đòi nợ khách.
Nhân viên công ty hưởng lợi lên tới 50% khi đòi được nợ
Trả lời tại buổi họp báo, Thượng tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng Công an quận 12 cho biết, Công ty Luật TNHH Power Law nằm ở Quốc lộ 1, quận 12 và có chức năng tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, số lượng nhân viên rất đông từ 160-200 người. Điều này khiến công an nghi ngờ công ty này hoạt động mờ ám.
Qua thâm nhập điều tra, Công an quận 12 nghi vấn công ty này nhắc nợ sai pháp luật. Theo đó, công ty này mua lại hợp đồng nợ xấu của ngân hàng, công ty tài chính và các app trên không gian mạng. Sau đó, nhóm lãnh đạo công ty giao cho nhân viên thực hiện thu hồi nợ.
Trưởng Công an quận 12 chia sẻ, sau khi nắm tình hình đơn vị đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TPHCM. Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TPHCM sau đó chỉ đạo Công an quận 12 chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an TPHCM lên kết hoạch triệt phá.
Ngày 19-11, công an ập vào trụ sở công ty trên, thu giữ nhiều vật chứng liên quan đến hành vi vu khống. Hiện nay, ngoài những người bị khởi tố, Công an quận 12 còn mở rộng điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý đối với ban lãnh đạo công ty trên.
Thượng tá Dương Đình Lập, Phó trưởng Công an quận 12 cho biết, công ty này thuê căn nhà nhiều tầng để làm trụ sở và có số lượng nhân viên rất lớn. Trong đó, có 3 người điều hành có bằng luật sư.
“Mô hình của Công ty này không phải tín dụng đen truyền thống mà biến tướng trên không gian mạng. Thậm chí, công ty mua lại nợ xấu, nhận hợp đồng của các ngân hàng để đòi, với mức hưởng lợi rất lớn, 25-50%. Các nhân viên đòi nợ theo 3 cấp độ.
Cấp độ thấp nhất là nhắc nợ với việc nhắn tin bình thường; Cấp độ 2 nhắn tin đe dọa; Cấp độ thứ 3 là cắt ghép hình ảnh nhạy cảm. Trong đó, nhóm này không chỉ cắt ghép hình ảnh con nợ mà còn có những người thân, đồng nghiệp và những người thân quen của con nợ để "khủng bố"…” Thượng tá Lập nói.
Tuy nhiên, Thượng tá Lập cho rằng, để xử lý được lãnh đạo của công ty này là rất khó khăn. Bởi, nhóm lãnh đạo công ty đã đưa ra những quy chế có lợi trong trường hợp bị cơ quan chức năng “sờ gáy”; Đồng thời, nhiều bị hại cũng không hợp tác với cơ quan điều tra.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng PC02, Công an TPHCM cho biết, trước đó đầu tháng 11-2022, lực lượng Công an TPHCM đã khởi tố bắt giam với 13 bị can là nhân viên Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset về tội “Vu khống” và mới đây là vụ Công ty Luật TNHH Power Law.
Hiện nay phương thức, thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen” hết sức tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý. Sau khi lực lượng công an trấn áp mạnh, các băng nhóm “tín dụng đen” chuyển từ hình thức rải tờ rơi sang hình thức cho vay qua các app điện tử chuyên dùng cho điện thoại di động.
Các đối tượng sử dụng mạng xã hội quảng cáo rầm rộ, dụ dỗ người có nhu cầu vay tiền tự liên hệ và “vẽ ra” nhiều loại phí dịch vụ để cắt xén tiền từ các khoản vay. Nhiều người bị vướng vào nợ nần do vay nợ qua các app mà không nghĩ tới lãi suất từ 2,5%-5%/ngày, thậm chí 900%-2.000%/năm.
Trưởng Phòng PC02 nhấn mạnh, khi nạn nhân mất khả năng chi trả, các đối tượng bán nợ này sang cho các công ty tài chính, công ty luật để đòi nợ giúp. Phía các công ty tài chính, luật… sẽ dùng nhiều thủ đoạn gây sức ép với con nợ, người thân từ đe dọa, “khủng bố” nạn nhân bằng lời nói, tin nhắn, gọi điện.
Thậm chí, các đối tượng dùng vũ lực ở mức chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, ném chất bẩn, sơn hoặc bắt giữ con nợ để giam giữ, tra tấn nhằm đòi tiền.
Đại tá Hiếu khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các app trên internet, các trang mạng xã hội. Khi phát hiện các app cho vay tiền có dấu hiệu nghi vấn cho vay lãi nặng, người dân liên hệ cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin.
Nếu bị đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn như trên, thì nên ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho công an nhằm làm cơ sở xử lý, can thiệp trong trường hợp cần thiết. Người dân cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật.
Công an TPHCM tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý, đánh mạnh vào hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng, phát hiện ngay từ sớm, không để phát sinh các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác có nguyên nhân từ “tín dụng đen”. Cùng với đó là việc tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tới người dân về các phương thức thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen” để người dân phòng tránh. Công an cũng kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm triệt tận gốc.