Ngổn ngang nỗi lo
Có thể nhận thấy, từ sau các vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản xảy ra tại các chung cư trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là vụ cháy tại chung cư Carina (quận 8) vào tháng 3-2018 khiến 13 người tử vong, người dân sinh sống tại các chung cư đã bắt đầu tìm hiểu cách bảo vệ mình trước hỏa hoạn. Chị N.T.Kiều Trang (SN 1984), sinh sống tại chung cư Phúc Yên (quận Tân Bình) cho biết: “Trước khi vụ cháy tại chung cư Carina xảy ra, mình không quan tâm nhiều đến công tác PCCC. Nhưng từ khi thấy được hậu quả của vụ việc, mình cảm thấy lo lắng nên bắt đầu tìm hiểu những thông tin mà Ban quản lý tòa nhà cung cấp, rồi bản thân chủ động xác định lối thoát hiểm trong tòa nhà và lên các phương án thoát nạn”.
Chị Mai Loan (SN 1982), cư dân sinh sống tại chung cư H.L (huyện Bình Chánh) cho biết, mình mới chuyển đến chung cư sinh sống được vài tháng, tuy là chung cư cũ nhưng tiện ích ở đây khá tốt. Tuy nhiên, về công tác PCCC, có thể do mình đi làm cả ngày, tối mới về nên chưa gặp Ban quản lý để được hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp an toàn PCCC”. Chị Mai Loan cũng cho biết: “Mình đang thắc mắc về việc mình thì ở tầng 4, khi có sự cố, mình có thể chạy bộ xuống dưới được, nhưng những người dân sinh sống tại các chung cư cao hàng chục tầng, thì khi có cháy, thang máy dừng hoạt động thì người dân sẽ thoát nạn như thế nào”.
Tòa nhà Kingdom 101 (đường Tô Hiến Thành, quận 10) có cấu trúc cao 30 tầng với 3 lốc nhà, đưa vào hoạt động từ tháng 5-2020. Hệ thống PCCC của tòa nhà đáp ứng được những tiêu chí về PCCC hiện hành. Về công tác đảm bảo an toàn PCCC của tòa nhà, anh Đỗ Nguyễn Bảo Toàn, kỹ sư trưởng, Đội phó Đội PCCC tòa nhà cho biết: “Chúng tôi luôn xác định tầm quan trọng của công tác PCCC trong việc đảm bảo an toàn cho cư dân, có thể gọi hệ thống PCCC là xương sống của tòa nhà. Vì vậy Ban quản lý đã yêu cầu cư dân phải chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Đặc biệt là sau khi biết thông tin những vụ cháy khiến nhiều người tử vong tại các chung cư thì đơn vị đã chú trọng đầu tư và quan tâm đến công tác PCCC hơn”. Anh Toàn cũng cho biết: “Thời gian qua, hệ thống báo cháy của tòa nhà báo động liên tục do người dân nấu ăn nhiều khói, bay lên hộp báo cháy trong các căn hộ, nhiều cư dân cũng phàn nàn về vấn đề này. Chúng tôi có giải thích là do hệ thống chuông báo động hoạt động nhạy bén”.
Chủ động tìm hiểu kiến thức an toàn PCCC
Theo Phòng PC07, Công an TPHCM, quá trình điều tra các vụ cháy nổ tại chung cư, nhà cao tầng cho thấy, nguyên nhân gây cháy nổ chủ yếu là do: trẻ em nghịch lửa; sử dụng nến; đun nấu bằng bếp than; đốt vàng mã nhưng không có người trông coi. Một số trường hợp khi đốt vàng mã xong vẫn còn cháy âm ỉ nhưng vẫn đổ vào hệ thống ống đổ rác; trong quá trình hàn cắt kim loại; sơ suất trong sử dụng bình gas, bếp gas, hệ thống gas trung tâm; xăng dầu tồn chứa trong nhà cao tầng, chủ yếu ở khu vực tầng hầm, garage để xe ô tô, hoặc tồn trữ để phục vụ cho máy phát, máy biến áp của tòa nhà. Một số tòa nhà có hiện tượng xảy ra xe ô tô, xe máy tự cháy, gây cháy lan…
Do đó, khi xảy ra cháy chung cư hay nhà cao tầng, cần thực hiện ngay việc cắt nguồn điện trong căn hộ, cắt nguồn cấp gas vào căn hộ (nếu có). Báo động toàn bộ tòa nhà bằng cách ấn nút hệ thống báo cháy tự động, hô hoán cho mọi người ở các căn hộ liền kề biết để cùng tham gia chữa cháy và thoát nạn. Vận động đi lấy phương tiện chữa cháy tại nơi bảo quản (hành lang, chiếu nghỉ cầu thang .. ) để chữa cháy. Hướng dẫn mọi người trong gia đình thoát nạn ra ngoài theo lối cầu thang thoát nạn, tuyệt đối không được sử dụng thang máy. Phối hợp chữa cháy và thoát nạn theo hướng dẫn của Đội PCCC cơ sở của tòa nhà.
Trong trường hợp đám cháy phát triển lớn, khi ở trong căn hộ, nếu phát hiện có khói từ bên ngoài hành lang bay vào thì không được mở cửa. Đặt mu bàn tay vào cánh cửa, nếu thấy ấm thì lửa đã đến rất gần, dùng chăn ẩm ướt, băng dính để bịt kín khe cửa để khói không tràn vào, di chuyển ra phía ngoài ban công, dùng các vật liệu để phát tín hiệu cầu cứu cho lực lượng Cảnh sát PCCC biết. Nếu không thấy cửa nóng thì mở cửa ra rất chậm và cẩn thận. Quan sát kỹ ngọn lửa, khói bắt nguồn từ đâu. Nếu khói từ trên cao xuống thì nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm xuống dưới tầng trệt, chạy ra khỏi tòa nhà. Nếu khói từ tầng dưới lên, khói mù mịt thì di chuyển lên tầng cao nhất theo lối cầu thang thoát hiểm. Dùng mặt nạ chống khói hoặc khăn, mảnh vải, ướt để che kín miệng, mũi và chăn ướt để trùm toàn thân.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07, Công an TPHCM, lưu ý thêm: “Chung cư nói riêng và các nhà cao tầng nói chung là nơi có nhiều người sinh sống và làm việc, người dân cần chủ động tìm hiểu các kiến thức an toàn PCCC và thoát nạn để biết cách xử lý khi có sự cố xảy ra. Đầu tư, trang bị cho mình những phương tiện dùng để chữa cháy, thoát nạn và thường xuyên kiểm tra, chú ý tới những nơi có nguy cơ cháy nổ cao trong căn hộ. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố cháy nổ điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh để quan sát, tìm điểm cháy, tìm cách chữa cháy và thoát nạn”.
Trên địa bàn TPHCM có khoảng 485 chung cư không đảm bảo quy định về an toàn PCCC. Trong đó có 8 chung cư vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC-CNCH bị cơ quan Cảnh sát PCCC tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động đối với các bộ phận hoặc toàn bộ nhà chung cư. Theo Phòng PC07, một trong những lỗi vi phạm an toàn PCCC mà các chung cư hay mắc phải là không đảm bảo điều kiện thoát nạn. |