Cách nào tăng cường thanh toán số ở nông thôn?

Chiều 13-12 tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa".

Tọa đàm nhằm bàn các giải pháp phát triển dịch vụ mobile money với vai trò là "cánh tay nối dài" của ngân hàng, phục vụ các đối tượng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế.

Cách nào tăng cường thanh toán số ở nông thôn? ảnh 1 Các đại biểu tham gia tọa đàm
Để thực hiện mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã liên tục triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán với nhiều tiện ích cho người dân. Theo Bộ TT-TT, sau 8 tháng triển khai thí điểm, 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone đang có khoảng 2,2 triệu khách hàng ở nông thôn, miền núi.

Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chủ yếu phát triển ở khu vực thành thị. Tốc độ phát triển khách hàng mới của dịch vụ này có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Trong khi đó, vẫn còn số lượng lớn người dân ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, chưa có thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Cách nào tăng cường thanh toán số ở nông thôn? ảnh 2 Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng, đến hôm nay, thói quen sử dụng thanh toán số vẫn chỉ phổ biến ở khu vực thành thị. Thời gian qua, NHNN đã ban hành các thông tư, hướng dẫn, mở tài khoản định danh khách hàng điện tử theo eKYC, rồi mở thẻ cũng theo định danh khách hàng eKYC. Do đó, khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn có thể mở được các tài khoản thanh toán và mở được thẻ để thực hiện giao dịch. Từ năm 2015, NHNN cũng đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, bằng hình thức hợp tác giữa ngân hàng thương mại với một số tổ chức khác. Cụ thể là hình thức kết hợp giữa MB, Viettel, giữa Vietcombank với ví điện tử Momo. Các hình thức phối hợp giữa các đại lý đã phát huy hiệu quả, vai trò hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, dịch vụ mobile money là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại. Tổng giá trị mobile money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với tổng số khoảng gần 950 tỷ đồng. Có thể nói, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó có thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt (e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến). Mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị; còn ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng. Vấn đề về tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.

Cách nào tăng cường thanh toán số ở nông thôn? ảnh 3 Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng

Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, hiện nhiều ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an thử nghiệm thành công các giải pháp xác thực người dùng thông qua căn cước công dân gắn chíp; định danh khách hàng từ xa qua mạng internet để mở tài khoản; xác thực định danh khách hàng giao dịch tại ATM. Đây là thay đổi, cải tiến rất đáng kể. Trước đây, khách muốn rút tiền ở ATM thì phải có thẻ ATM. Tuy nhiên ngày nay, nhiều ngân hàng đã phối hợp với ngành công an triển khai thành công việc rút tiền tại ATM mà không cần thẻ ATM (chỉ cần sử dụng căn cước công dân gắn chíp để rút tiền tại ATM mà không cần ra ngân hàng). Việc này nâng độ an ninh, bảo mật cho người dùng cao hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ LĐTB-XH nghiên cứu và đề xuất phương án chi trả trợ cấp an sinh xã hội trên cơ sở định danh, xác thực điện tử để xác định đối tượng hưởng trợ cấp thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để hỗ trợ các ngân hàng triển khai rộng rãi các giải pháp đã được thí điểm thành công. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp để khai thác được các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm giúp cung cấp các sản phẩm tiện ích hơn cho người dân, cũng như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tạo thuận tiện hơn cho các khách hàng khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Dự kiến đến tháng 11-2023, khi kết thúc thí điểm 2 năm đối với dịch vụ mobile money, NHNN sẽ xem xét, sơ kết, tổng kết đánh giá để có thể đề xuất lên Chính phủ tiếp tục cho triển khai thí điểm để tiếp tục xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai chính thức việc cung cấp các dịch vụ này.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đề nghị nghị có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt...

Tin cùng chuyên mục