Kỷ niệm 61 năm ngày Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (25-8-1945 - 25-8-2006)

Cách mạng là sáng tạo

Chú thích:
Cách mạng là sáng tạo

Như một phản ứng dây chuyền của dòng điện cực mạnh phát ra từ trái tim Việt Nam yêu nước và quật khởi, với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, chỉ trong 15 ngày, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 nổ ra và thắng lợi trên cả nước...

Xin gợi lại những cột mốc thời gian: Ngày 13-8-1945

Cách mạng là sáng tạo ảnh 1

Lớp trẻ TPHCM hôm nay. Ảnh: THÁI BẰNG

Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào, Tuyên Quang, quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập, “Quân lệnh số 1” được phát đi.

Vào 23 giờ đêm 14-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh. Ngày 16-8 Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, gửi đi lời kêu gọi tổng khởi nghĩa nói trên.

Cũng xin nhớ rằng, để đến Quốc dân Đại hội, các đại biểu Nam bộ phải đi hàng tháng trời và có hai đại biểu không đến kịp. Với phương tiện thông tin liên lạc lúc ấy, nếu không có một phản ứng dây chuyền cực mạnh đó của lòng dân khát khao độc lập, tự do thì làm sao có diễn biến kỳ diệu của Cách mạng Tháng Tám! Cũng đừng quên rằng, vào thời điểm ấy, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên. Hà Nội cách Sài Gòn 1.719 km đường bộ và 1.726 km đường sắt. Ngày 19-8-1945 Hà Nội khởi nghĩa, 23-8-1945 Huế giành chính quyền và 25-8-1945 là Sài Gòn.

Cuộc biểu tình lịch sử của hơn một triệu người đại diện cho cả Nam bộ hừng hực từ nhiều ngả kéo về trước dinh Đốc lý (nay là trụ sở HĐND và UBND TPHCM) và tràn ngập các đường trong trung tâm thành phố đến cột cờ Thủ Ngữ, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, dinh Toàn quyền, Sở Thú. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn kết thúc trong khí thế ngút trời của cuộc biểu dương lực lượng quần chúng, vì 18 giờ ngày 24-8 Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ phát lệnh khởi nghĩa thì đến 22 giờ đêm hôm ấy tất cả bộ máy cai trị đã về tay các đội TNXP xung kích.

"Cách mạng Tháng Tám là một cuộc tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn, mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn” (1).

Từ thực tiễn và bằng thực tiễn sinh động của Cách Mạng Tháng Tám, đồng chí Lê Duẩn phân tích sâu sắc bài học về sự kết hợp nhuần nhuyễn lý luận cách mạng của học thuyết Mác với đạo lý làm người, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta để nói về sức sống của lý luận cách mạng. Theo đồng chí, lý luận cách mạng ấy đã “hòa với sức mạnh sẵn có của dân tộc và trở thành sức mạnh của dân tộc nên cách mạng mới có điều kiện dễ dàng thắng lợi hơn” (2).

Là một trong những bộ óc lớn của Đảng, có trái tim luôn cùng nhịp đập với nhân dân mình, sau Hiệp nghị Genève 1954, ông thiết tha xin với Bác Hồ và Trung ương được ở lại cùng chung lưng đấu cật với đồng bào miền Nam trong cuộc chiến đấu mà ông hiểu rõ sẽ hết sức khốc liệt và kéo dài.

Cũng từ thực tiễn và bằng thực tiễn sinh động của cuộc đấu tranh cực kỳ gian khổ với sự hy sinh lớn lao của đồng bào, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ trong Đề cương: “Trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ – Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”.

Là một nhà lý luận lớn của Đảng, tư duy lý luận của đồng chí Lê Duẩn luôn là sự đúc kết từ vận động của thực tiễn. Noi gương Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn cũng là người “có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn” Con người ấy “thường không trích dẫn những câu kinh điển”. Ông cũng “giải thích rằng thời điểm lịch sử đã khác trước, thì không được sao chép nguyên văn những gì có sẵn; điều cốt yếu là hiểu đúng tinh thần và biết vận dụng các nguyên lý sát với tình hình cụ thể” (3).

Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo, đấy là điều ông thường tâm niệm và nhắc nhở: chỉ lúc nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tế của đất nước, từ lợi ích của dân tộc, lúc ấy chúng ta thắng lợi, lúc nào chúng ta lệ thuộc, giáo điều sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề. Bộ óc lớn ấy không ngừng vận động, luôn luôn bứt phá tìm tòi, đúc rút từ thực tế để cố đưa ra những vấn đề có ý nghĩa lý luận trong chỉ đạo thực tiễn, mặc dầu “với vị trí Tổng bí thư của mình, cũng không đột phá nổi độ dày của bảo thủ, giáo điều, đường mòn xơ cứng”, nhưng “qua thực tiễn xuyên suốt đủ chứng tỏ là người luôn tìm tòi sáng tạo và tư duy luôn đổi mới” (4).

Năm nay, kỷ niệm 61 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vào dịp nửa thế kỷ “Đề cương Cách mạng miền Nam” ra đời, càng làm nổi bật bài học lớn “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”. Thời gian đang ủng hộ chúng ta vì thời gian cũng là vị quan tòa công minh nhất của lịch sử. Cuộc sống đang ngày càng chứng minh rằng, chỉ tư tưởng lý luận nào gắn với thực tiễn, nảy sinh từ thực tiễn, mới có sức nặng của chân lý. Thực tiễn có sức thuyết phục hơn mọi giáo điều khô cứng đã bị cuộc sống vượt qua. Đó cũng là chân lý của cuộc sống, vì chân lý là cụ thể.

Chú thích:

1, 2 Lê Duẩn. “Cách mạng XHCN ở Việt Nam. NXBST Hà Nội. 1976, Tập 3, tr.649 và tập 1. tr.168.
3. Phạm Văn Đồng. “Hồ Chí Minh. Quá khứ. Hiện tại và Tương lai” NXBST 1991 tr.29.
4. Võ Văn Kiệt. “Kỷ niệm 50 năm Đề cương CMMN” Báo Sài Gòn Giải phóng, 14-8-2006. 

TƯƠNG LAI

 

Tin cùng chuyên mục