Nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi, SGGP - ĐTTC ghi lại những ý kiến của lãnh đạo, chuyên gia về cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam.
Xây dựng chiến lược quốc gia
CMCN 4.0 đã và đang rất gần chúng ta. Trong cuộc cách mạng này, Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng còn nhiều bất cập cần khắc phục, trên tinh thần xử lý những mặt trái của CMCN 4.0 để không ai bị bỏ lại phía sau. Không phải từ bây giờ, mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học - công nghệ (KH-CN), Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Và thực tế CMCN 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể, tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.
Song những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn và đang ở phía trước. Bởi lẽ việc tiếp cận với CMCN 4.0 ở Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của cách mạng công nghệ mới mẻ này. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại, cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0. Mặc dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực, nhưng CMCN 4.0 thực sự là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực. |
Trước mắt, các bộ, ngành phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về CMCN 4.0. Đây là một nghị quyết khoa học, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn CMCN 4.0 với Chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam; xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 với sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế với tốc độ cao; tiến hành xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của quốc gia, trong đó chú trọng việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh; xây dựng mạng lưới nhân tài, kể cả người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam, các chuyên gia giỏi của quốc tế về CMCN 4.0.
Những việc cần làm ngay
Phải tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt công nghệ thông tin - truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Cần ưu tiên phát triển KH-CN, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Triển khai các hướng nghiên cứu KH-CN mũi nhọn về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo...
Lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát và tích hợp những công nghệ mới. Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là nhóm hành động, là lực lượng chủ đạo, tiên phong có ý nghĩa quyết định mức độ thành công trong việc thực hiện CMCN 4.0.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải có khát vọng và hiện thực hóa khát vọng vươn ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ không chỉ chinh phục thị trường trong nước, mà còn chiếm lĩnh các thị trường khó tính của thế giới. Phải có phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0, như xây dựng những kịch bản nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này; tăng cường quản lý rủi ro từ những hệ quả, nhất là các vấn đề về việc làm và quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp.