Thời gian thực hiện kể từ ngày 16-4 cho đến hết ngày 22-4. Trước đó, sau 15 ngày nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã kéo giảm số ca mắc mới, mang lại những hiệu quả tích cực về ngăn dịch Covid-19 bùng phát. Đây là minh chứng cho thấy, nếu thực hiện quyết liệt cách ly xã hội sẽ góp phần ngăn chặn được nguồn lây lan dịch bệnh.
Số ca mắc giảm rõ rệt
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, kể từ khi triển khai thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đến nay số ca mắc mới Covid-19 giảm rõ rệt. Nếu như ở thời điểm cuối tháng 3-2020, trung bình mỗi ngày ghi nhận 11 - 15 ca mắc mới Covid-19, trong đó số ca lây nhiễm trong cộng đồng trung bình 5 - 14 ca/ngày, thì từ ngày 4-4 đến nay, số ca mắc mới Covid-19 đã giảm liên tục, trung bình chỉ ghi nhận 1 - 2 ca/ngày, chỉ có 2 ngày cao điểm ghi nhận 4 - 5 ca/ngày. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết sau 15 ngày giãn cách, cách ly xã hội, chúng ta đã thực hiện hiệu quả và thành công, áp dụng biện pháp cách ly xã hội đúng thời điểm, không bỏ lỡ giai đoạn vàng.
Phân tích dữ liệu tình hình dịch bệnh trong nước, đánh giá các nguy cơ rủi ro, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng, thời gian qua Việt Nam vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài”. Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu thì công tác truy vết ca bệnh, kết hợp với biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng chống Covid-19.
Còn theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), sau thành công lớn ở giai đoạn đầu thì tới nay mối lo ngại nhất cũng đã xảy ra, dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng với sự mất dấu của F0. Việc không biết ai là F0 có nghĩa người đó vẫn có thể đang âm thầm lây bệnh cho người khác, mà không ai biết. Do đó, các biện pháp phát hiện người bệnh để cách ly đã không còn mang vai trò chủ đạo, cần phải áp dụng biện pháp khác - biện pháp giãn cách xã hội. “Nếu người dân ở nhà, tránh tiếp xúc gần với người khác, thực hiện việc phòng ngừa cá nhân cho tốt, thì mỗi chúng ta sẽ triệt tiêu điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, dẫn tới tiêu diệt căn bệnh mà không cần thuốc”, TS-BS Lê Quốc Hùng nói.
Chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh
Thực tế, việc thực hiện cách ly xã hội ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, trước tình hình dịch còn kéo dài và diễn biến phức tạp thì nhiều người vẫn đồng tình ủng hộ và cho rằng, biện pháp này là vô cùng cần thiết. Anh Cao Vũ Lâm, chủ một phòng khám nha khoa trên địa bàn quận 6, cho biết nửa tháng nay, phòng khám của anh phải đóng cửa và sẽ đóng cửa đến hết tháng. Trước đó, khi dịch bùng phát anh đã cắt giảm nhân sự, chỉ tư vấn qua điện thoại và ngưng bộ phận khám chữa bệnh. “Đâu phải mỗi mình khó khăn, mà cả thế giới khó khăn. Bảo vệ cho mình cũng là bảo vệ cho mọi người”, anh Lâm chia sẻ. Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Điều, chủ một cửa hàng hải sản quận 12, cho rằng việc kéo dài thời gian cách ly xã hội là quyết sách đúng đắn. Bởi, thực tế cho thấy tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TPHCM, nguy cơ lây lan cộng đồng cao. Vì vậy, quyết định kéo dài thời gian cách ly của Chính phủ được người dân rất đồng thuận và thực sự yên tâm.
Đánh giá về kết quả của việc cách ly xã hội, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM), cho rằng những ngày qua, quyết định cách ly xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra đã giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, giảm số ca mắc mới. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đây mới chỉ là những thành quả bước đầu. Vì vậy, biện pháp này vẫn rất cần phải tiếp tục duy trì. Phân tích rõ hơn về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, cần nhìn nhận rõ nguồn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đó là những người F1 xuất viện, người trong khu cách ly về cộng đồng. Theo quy định, người cách ly tập trung vẫn cần phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày để cắt hẳn nguy cơ. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ quy định tự cách ly thì đây cũng có thể là nguy cơ nguồn lây rất lớn. Bên cạnh đó, nguy cơ còn đến từ những điểm tập trung đông người như bệnh viện, quán bar, quán cà phê, karaoke, các công ty, cơ quan, công sở...
Vì vậy, biện pháp cách ly xã hội và trách nhiệm của cá nhân là vô cùng quan trọng. Bởi, nếu một người dù chưa mắc bệnh, không chịu cách ly xã hội, người đó có thể bị lây bệnh từ người khác, rồi phát tán ra những người xung quanh. Do vậy, phải có sự tham gia của tổng thể, nếu chỉ một bộ phận người dân không thực hiện nghiêm, dịch sẽ bùng lên.