Số lượng chợ truyền thống đóng cửa tiếp tục tăng
Thông tin tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, số lượng các chợ truyền thống hiện đóng cửa vẫn tiếp tục tăng. Cách đây 5 ngày có 68 chợ còn hoạt động, sau đó còn 59, hôm qua 48, hôm nay (16-7) chỉ còn 46 chợ hoạt động. Với năng lực cung ứng hàng hóa của chợ truyền thống TPHCM, tùy mặt hàng có thể lên tới 60-70% thị phần.
“Với số chợ còn hoạt động ít như vậy thì áp lực đè nặng lên hệ thống phân phối khác. Tình trạng người dân phải xếp hàng vào khu mua sắm, thời gian xếp hàng chờ đợi sẽ càng kéo dài hơn. Bởi năng lực của các hệ thống phân phối này đã được đẩy lên tối đa”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, giải pháp tức thời Sở Công thương đang triển khai là kêu gọi các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm liên quan đến kinh doanh hàng hóa để phối hợp hỗ trợ cùng TP mở thêm các điểm bán. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi này, tham gia chủ động.
Một số doanh nghiệp logictics cho mượn người, mượn xe không tính chi phí, Viettel Post, Việt Nam Post đề xuất sử dụng tất cả bưu cục. Các doanh nghiệp logistics cũng đăng ký 754 điểm bán. Ngoài ra, các địa phương những ngày qua cũng phục vụ 106 bán hàng lưu động, với 141 chuyến bán hàng.
“Giải pháp căn cơ nhất mà Sở Công thương đã kiến nghị lãnh đạo TP và đã được đồng thuận, đó là tích cực nghiên cứu, rà soát, mở lại các chợ truyền thống với giải pháp mà sở đã hướng dẫn, không mở toàn bộ chợ, mà chỉ mở những mặt hàng thực sự thiết yếu. Trong đó thí điểm trước với mặt hàng rau củ quả, chọn một số tiểu thương có năng lực cung ứng tốt để bán lại”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Trước thông tin mỗi ngày TPHCM thiếu 1.000 tấn thực phẩm, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, không phải do thiếu nguồn cung, mà là thiếu hệ thống phân phối. Hiện chợ đầu mối ngưng hoạt động khiến đầu ra khó khăn nên các thương lái đa số ngừng hoạt động. Khi các chợ hoạt động trở lại theo phương án sở đề xuất, các thương lái tiếp tục đưa hàng về, thì nguồn hàng sẽ không thiếu.
Có một mặt hàng đang khan hiếm hiện nay là trứng. Dù trước đó đã ký hợp đồng đảm bảo hàng hóa, nhưng đến nay việc thu mua trứng ngay tại vùng nguyên liệu là các tỉnh miền Tây cũng khó khăn, giá cao. Từ đó dẫn đến tình trạng “hai giá” là giá trong siêu thị và giá ngoài thị trường. Cho nên đã có tình trạng vào siêu thị thu gom hàng giá rẻ mang ra ngoài bán.
6 ngày tới cơ bản đưa hết F0 đi điều trị
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, từ ngày 9-7, khi TP thực hiện Chỉ thị 16, ngành y tế đã tiến hành phương án tầm soát trên diện rộng trên phạm vi toàn TP, do đó số ca bệnh phát hiện thời gian này sẽ tăng. Nếu người dân TP tuân thủ trên tinh thần Chỉ thị 16 thì trong thời gian tới, TP sẽ có thể khống chế được dịch bệnh, số ca mắc có xu hướng sẽ giảm.
“Mặc dù, thời gian qua số ca mắc tăng và số ca tử vong cũng gia tăng nhanh, đa số những ca tử vong xuất hiện ở người lớn tuổi, có bệnh lý nền. Tỷ lệ tử vong ở người bệnh tại TPHCM chiếm 0,75%, ngành y tế TP đang cố gắng kéo giảm tỷ lệ này bằng cách thiết lập các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng theo mô hình tháp 4 tầng, trong đó có Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nằm ở tầng 4 để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện F1 tại nhà và thí điểm F0 tại nhà, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tham mưu xây dựng các nội dung, ban hành các công văn hướng dẫn việc triển khai cách ly F1 tại nhà; phối hợp với Sở TT-TT và Tập đoàn viễn thông Viettel thực hiện thí điểm ứng dụng khai báo và giám sát F1 tại nhà.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã tập huấn cho UBND quận huyện, phường xã, các phòng y tế, trung tâm y tế và trạm y tế về hướng dẫn cách ly F1 tại nhà và sử dụng các ứng dụng,…. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp, TP đã chuyển sang chiến lược chủ động xét nghiệm diện rộng, test nhanh kháng nguyên và PCR nhằm truy vết các ca F0 trong cộng đồng.
Tất cả F0 đều được chuyển đến các bệnh viện dã chiến để điều trị. Tuy nhiên, với số lượng F0 tăng nhanh, việc điều phối đến các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được, bởi các bệnh viện dã chiến đều được tận dụng từ các khu tái định cư cần có thời gian sửa chữa, nâng cấp.
“Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực phối hợp với các sở ngành mở rộng các bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng của các bệnh viện, nâng số giường bệnh hiện nay lên 20.000 giường và có kế hoạch mở rộng lên 50.000 giường; với hy vọng nhanh chóng khắc phục tình trạng quá tải cũng như chậm chuyển bệnh nhân đến khu vực điều trị”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Bộ Y tế đã phân bổ số lượng nhân viên, cán bộ ngành y tế của các tỉnh thành tham gia cùng TP chống dịch. TPHCM đang vừa sử dụng nguồn nhân viên y tế của TP cùng các nhân viên y tế được hỗ trợ để thực hiện lấy các mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết đến phục vụ trong các bệnh viện dã chiến cũng như bệnh viện điều trị của TP.
"Hiện Bộ Y tế đang điều chuyển qua khoảng 10.000 nhân lực y tế. Bên cạnh đó, TP đã điều phối nguồn nhân lực tại chỗ từ các bệnh viện; các trường Đại học Y dược TPHCM, Trường Y khoa TP, Trường Nguyễn Tất Thành... huy động lượng sinh viên tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP".
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, TPHCM còn hơn 6 ngày nữa kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 và chiến lược của TPHCM có nhiều thay đổi so với trước. Công tác xét nghiệm không dàn trải mà tập trung cho những khu vực trọng điểm có nguy cơ rất cao.
Với chiến lược này, số ca mắc Covid-19 sẽ tăng lên, nhưng nếu làm liên tục thì số lượng sẽ giảm dần. “Chúng tôi cũng chưa chắc chắn hết 6 ngày sẽ bóc tách hết F0 được chưa, nhưng với phương án này sẽ cơ bản bóc được các F0 đưa đi điều trị”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Về thí điểm cách ly tại nhà với F1 và các F0 là cán bộ y tế, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đây là việc chưa từng có tiền lệ, nên sẽ có lúng túng ban đầu. Khi đưa F1 về cách ly ở gia đình thì phường xã cũng lúng túng. Nhưng nhiều quận huyện cũng đã triển khai.
Hiện TPHCM có 14.968 F1 cách ly tập trung, còn cách ly tại nhà là 37.400. Như vậy là TPHCM đang cách ly F1 tại nhà hiệu quả. Địa phương và trung tâm y tế sẽ thẩm định điều kiện cách ly tại nhà với đầu mối liên lạc là địa phương. “Cách ly tại nhà có thành công hay không, phụ thuộc trước tiên là sự tự giác của người được cách ly. Nếu cả gia đình là F1 thì đơn giản hơn, còn nếu chỉ một người là F1 thì khó sắp xếp hơn, phải hạn chế giao lưu tiếp xúc với các thành viên trong gia đình”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nói.
Về giá xét nghiệm, một số bệnh viện tư nhân thu giá rất cao, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, giá này đều được công khai để người dân biết và lựa chọn. Còn hệ thống bệnh viện công lập thì sẽ thu đúng giá quy định là test nhanh 238.000 đồng/lượt, PCR theo giá của Bộ Y tế hướng dẫn là 734.000 đồng/lượt.
Trước việc trên mạng có rao bán các bộ test nhanh, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, đây là một loại trang thiết bị y tế, cần sự cho phép của Bộ Y tế và được công bố trên website của Bộ.
“Người dân không nên lên mạng mua các bộ test này về sử dụng, nếu các bộ test này không chính xác thì rất nguy hiểm, dẫn đến sự chủ quan. Các đơn vị có nhu cầu nên liên hệ với Bộ Y tế hay các doanh nghiệp cung cấp các bộ test chính thống để sử dụng”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh và cho biết, hiện TP đã tính đến phương án xây dựng bệnh viện dã chiến ở các nhà thi đấu trong trường hợp cần thiết.
Về oxy trong các bệnh viện dã chiến được đảm bảo đầy đủ. Có doanh nghiệp đã giúp cho 3 bồn oxy cao áp, mỗi bồn 10 tấn để phục vụ các khu cách ly, điều trị đông người.
Trả lời câu hỏi vì sao người lao động tự do là phụ hồ, người giúp việc… bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chưa được nhận hỗ trợ đợt này, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, đơn vị đã tiếp thu đầy đủ các kiến nghị này và sẽ bổ sung đối tượng này sau ngày 25-7. Về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm Chỉ thị 16, trong một tuần qua, UBND 21 quận huyện, TP Thủ Đức đã kiểm tra 35.050 cuộc, xử phạt hơn 4.200 trường hợp với hơn 9,94 tỷ đồng. |
Thông tin về việc bắt giữ tử tù Nguyễn Kim An mắc Covid-19 trốn khỏi trại giam Chí Hòa, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, việc bắt giữ tử tù lúc 1 giờ sáng nay (16-7), quá trình bắt giữ đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia bắt giữ. |