Trường hợp bị cách ly y tế tại nhà
Theo Sở Y tế TPHCM, đối tượng được đề xuất cách ly y tế tại nhà là các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh) nhằm giảm áp lực cho các cơ sở cách ly, nhân viên viên y tế và các lực lượng chức năng khác. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến trưa 6-7, TPHCM đang thực hiện cách ly 37.142 trường hợp tại nhà, nơi lưu trú. Cũng theo HCDC, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 mới, có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng nên số trường hợp F1 rất lớn, khiến quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung.
Đối tượng áp dụng thí điểm là trường hợp F1, có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính (trong khi chờ xét nghiệm PCR) và thuộc một trong các nhóm: người tiếp xúc gần với ca F0 nhưng không thường xuyên; người làm việc cùng phòng với ca F0 nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca F0; người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật... cần sự chăm sóc hỗ trợ. Đối tượng F1 đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính, được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà.
Không tiếp xúc người trong gia đình
Việc cách ly F1 tại nhà phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn ngày 27-6-2021. Người cách ly không ra khỏi phòng, không tiếp xúc người trong gia đình và vật nuôi. F1 luôn cài và bật ứng dụng khai báo y tế như VHD, Bluezone; tự đo thân nhiệt, tự theo dõi sức khỏe… Công tác lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách ly được thực hiện ít nhất 5 lần vào ngày 1, 7, 14, 20 và 28 từ khi bắt đầu cách ly. Các trung tâm y tế tại địa phương thí điểm sẽ tổ chức xét nghiệm cho người cách ly.
Được theo dõi sức khỏe hàng ngày
Đối tượng F1 cách ly tại nhà hàng ngày sẽ được địa phương tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe, hỗ trợ đo thân nhiệt cho người cách ly, người chăm sóc, người nhà của người cách ly nếu họ không tự đo được; ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà theo quy định. Nếu người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có kết quả xét nghiệm dương tính thì báo trung tâm y tế địa phương xử lý theo quy định.
Điều kiện khi cách ly tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi cách ly F1 tại nhà, bắt buộc là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”. Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.
Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng), có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”; còn thùng đựng chất thải sinh hoạt cũng có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh. Không được dùng điều hòa trung tâm. Có thể dùng điều hòa riêng. Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ. Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt. Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hàng ngày.
Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly. Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.
Cách ly tại nhà nhưng phải đảm bảo 5K
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các trường hợp F1 phải được cách ly tập trung nhưng hiện nay, việc xuất hiện biến chủng có tốc độ lây nhiễm dịch Covid-19 rất nhanh, số ca mắc và F1 tăng rất cao, gây ra nguy cơ quá tải trong các khu cách ly tập trung. Cùng với việc không đủ chỗ cách ly, các yêu cầu về phục vụ sinh hoạt cho người cách ly cũng khó có thể đảm bảo. Hơn nữa, việc phòng bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu cách ly tập trung cũng là vấn đề lớn, thực tế đã có rất nhiều trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Do vậy, việc cho TPHCM thực hiện thí điểm cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F1 có đủ điều kiện là hợp lý trong bối cảnh dịch hiện nay tại TPHCM; nhưng việc làm này phải được thực hiện rất nghiêm túc, chặt chẽ theo các quy định, hướng dẫn 5K của ngành y tế. Trong đó, phải lưu ý tới việc phân loại các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19 để đưa ra biện pháp cách ly phù hợp, vì nếu không thực hiện nghiêm, quản lý không tốt, những trường hợp F1 trở thành F0 có thể nhanh chóng lây cho người nhà và lan ra cộng đồng.
Làm sao để cách ly y tế tại nhà an toàn?
Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước mắt TPHCM sẽ tổ chức thí điểm việc cách ly F1 tại nhà tại một số khu vực nhỏ để đảm bảo hiệu quả và đánh giá mức mức độ an toàn. Đồng thời, ngành y tế và chính quyền địa phương có hướng dẫn, tuyên truyền tới các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà và với người nhà của đối tượng này để đảm bảo việc cách ly được thực hiện an toàn, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Quan trọng nhất là ý thức của người cách ly và những người xung quanh thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Chính quyền địa phương cũng phải có các biện pháp kiểm tra giám sát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, xử lý những vi phạm khi cách ly y tế ở nhà.
Bà VÕ THỊ CHÍNH, Phó Chủ tịch UBND quận 12: QUANG HUY ghi |