Đợt tiêm vaccine đạt được mục tiêu đề ra
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, TPHCM đang trải qua đợt dịch Covid-19 thứ 4 có diễn biến hết sức phức tạp với biến chủng mới (biến chủng Delta) lây lan rất nhanh. Song song với công tác phòng chống dịch Covid-19, TPHCM cũng triển khai tiêm chủng vaccine quy mô lớn nhất trong lịch sử với hơn 800.000 liều tiêm, trong thời gian 1 tuần.
Đến nay, TPHCM đã hoàn thành việc triển khai tiêm vaccine quy mô lớn nhất lịch sử, đảm bảo an toàn cho người tiêm và đã đạt được mục tiêu đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị TPHCM, nỗ lực rất đáng khâm phục của các lực lượng tham gia tiêm chủng.
Trong thời gian ngắn, các lực lượng tham gia đã điều chỉnh hết sức kịp thời để đưa công tác tiêm chủng vào quỹ đạo và hoàn thành đúng mục tiêu đề ra.
“Đến chiều nay (28-6), số liệu cập nhật được có 731.984 người được tiêm vaccine. Có 96.198 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết.
Lãnh đạo TPHCM thông tin thêm, đợt này có trên dưới 5.000 người được TPHCM mời đến tiêm. Tuy nhiên, có nhiều người vì lý do khác nhau đã không đến tiêm. Trong đó nhóm người tiêm tự nguyện vẫn chưa thích tiêm nên không đến; nhóm thứ hai TPHCM rất kỳ vọng sẽ cung cấp vaccine tiêm cho bà con là những người yếu thế trong xã hội, tuy nhiên có nhiều người đã về quê nên không đến tiêm.
Về tình hình chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, phương châm của TPHCM vẫn là “thần tốc truy vết” để bao phủ trên diện rộng nhưng mà cách ly trong diện hẹp, tập trung. Do TPHCM là một địa bàn đông dân, diện tích rộng, TPHCM áp dụng nhiều biện pháp phải linh hoạt để vừa đảm bảo duy trình hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, vừa đảm bảo độ an toàn phòng chống dịch.
Vì vậy, hiện nay, tại TPHCM, trên các địa bàn áp dụng các biện pháp khác nhau. Cụ thể, một số nơi áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 15, một số nơi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Còn một số nơi khác áp dụng rất nghiệm ngặt, đó là phong tỏa toàn diện để đảm bảo khoanh vùng ở nơi nguy cơ có nhiều F0.
Song song với đó, TPHCM áp dụng chiến lược test nhanh, tầm soát trên diện rộng và test có trọng tâm trọng điểm ở một số nơi. Vì vậy, TPHCM phát hiện F0 ở hai dạng, một dạng nằm ở trong khu cách ly, khu phong toả; dạng thứ hai là từ tầm soát, sàng lọc từ các bệnh viện.
Quy định cách ly F1 tại nhà là hết sức nghiêm ngặt
Liên quan đến cách ly F1 tại nhà, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, việc này Bộ Y tế đã có văn bản gửi TPHCM hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà. Ngành y tế TPHCM sẽ thực hiện việc này và đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) để tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM, lãnh đạo TPHCM quyết định việc này.
Quy định cách ly F1 tại nhà là hết sức nghiêm ngặt, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện. Khi triển khai, bên cạnh những yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên y tế tham gia…, TPHCM cũng phải từng bước thí điểm.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là sự an toàn cho cộng đồng chứ không chỉ là chuyện giải quyết chỗ cách ly. Chúng tôi cho rằng càng cẩn trọng và khi chúng ta triển khai rộng ra, mức độ an toàn cho cộng đồng sẽ đảm bảo hơn”, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết.
Về năng lực xét nghiệm của TPHCM, ông Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, năng lực xét nghiệm của TPHCM là khoảng 20.000 mẫu/ngày. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng xét nghiệm, ngành y tế TPHCM đã mở thêm một cơ sở xét nghiệm đặt tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu (TP Thủ Đức) với năng lực 30.000 mẫu/ngày.
Như vậy, toàn TPHCM sẽ đáp ứng đủ năng lực xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày mà TPHCM đề ra. Về xét nghiệm test nhanh kháng nguyên có ý nghĩa trong thời điểm này của TPHCM, HCDC đã tham mưu kế hoạch về việc sử dụng test nhanh kháng nguyên. Trong đó ưu tiên 4 nhóm: Người trong khu phong tỏa; người trong khu cách ly; những người làm công việc thiết yếu trong những vùng ổ dịch, nơi được khoanh vùng; những người làm trong các khu công nghiệp, công nhân.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GĐ-ĐT TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã có nhiều văn bản nêu các kế hoạch, phương án để phối hợp với Sở Y tế, đơn vị thường trực tham mưu cho TPHCM về các phương án an toàn trong phòng chống dịch. Hiện nay ở các điểm thi có độ an toàn rất cao, được trang bị đầy đủ, các trang thiết bị phòng dịch như nước rửa tay sát khuẩn, bố trí ngồi giãn cách… Sở GĐ-ĐT TPHCM còn phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các điểm thi. |