Cách ly F0 (nhẹ) và F1 tại nhà, lợi đôi đường

PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, BV Đại học Y Dược TPHCM đề xuất, hãy để F0 đủ điều kiện được kiểm soát tại cộng đồng, không nên đưa toàn bộ vào BV.

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày ở TPHCM lên đến hơn 2.000 ca, ngày cao nhất là gần 2.700 ca. Số ca F0 tăng kéo theo lượng người thuộc diện F1 tăng lên hàng chục ngàn người, gây quá tải cho bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 và các khu cách ly tập trung. Nguy cơ lây nhiễm chéo vì thế cũng đang rất đáng lo ngại. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc việc cách ly, điều trị tại nhà cho các đối tượng F0, F1 cần được thực hiện ngay.

Mở rộng cách ly F1 tại nhà

 Ngày 14-7, hộ gia đình đầu tiên tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè được cách ly tại nhà. Đây là một căn nhà 4 tầng khang trang của một gia đình có 5 người sinh sống gồm bố mẹ già, hai vợ chồng và 1 người làm.

Trước đó, người vợ trong gia đình này được xác định mắc Covid-19 và đưa đi bệnh viện dã chiến điều trị, những người còn lại trong gia đình đều trở thành F1.

Sau khi thẩm định căn nhà, lực lượng y tế huyện Nhà Bè xác nhận ngôi nhà đủ điều kiện cách ly y tế gồm 4 phòng ngủ đều có nhà vệ sinh, sinh hoạt riêng biệt nên các F1 được cách ly tại nhà.

Để đảm bảo an toàn, nhân viên y tế hướng dẫn từng người cách thức nhận thức ăn, phân loại rác thải sinh hoạt và nguy hại để xử lý, tránh lây nhiễm chéo nếu có trường hợp F1 chuyển thành F0. Mỗi ngày hai lần, tổ Covid-19 cộng đồng của xã Long Thới cung cấp đồ dùng theo yêu cầu, giám sát bằng cách gọi video cho từng người. 

Không may mắn như trường hợp trên, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (36 tuổi, ngụ quận 8) bị đưa đi cách ly tập trung sau khi được thông báo mẫu test gộp dương tính.

Tại Trường Tiểu học An Phong, quận 8, gia đình 3 người của chị Thúy được bố trí ở chung phòng (tận dụng phòng học) với 2 người khác. Mỗi ngày, chị Thúy và những người cách ly được phát 3 bữa cơm và một tấm chiếu trải lên sàn nằm ngủ. Bất tiện nhất là nhà vệ sinh, do số lượng người cách ly tập trung rất đông nên nhà vệ sinh luôn trong tình trạng quá tải.

“Điều kiện sinh hoạt sơ sài, thiếu thốn, đồ ăn không hợp khẩu vị khiến chúng tôi rất mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Ám ảnh nhất là những chuyến xe đưa người từ khu cách ly đi bệnh viện dã chiến sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Ai cũng hoang mang lo sợ không biết bao giờ đến lượt mình”, chị Thúy chia sẻ.

Tháng 6-2021, Bộ Y tế có chủ trương cho phép thực hiện cách ly F1 tại nhà. Tuy nhiên, do cách hiểu khác nhau về cách ly F1 nên ban đầu một số quận huyện tại TPHCM có sự lúng túng trong thực hiện. Mới đây, Sở Y tế đã có hướng dẫn cụ thể giám sát F1 tại nơi ở để địa phương căn cứ thực hiện. Hiện toàn thành phố đã có 2.058 trường hợp F1 cách ly tại nhà, trải khắp các quận huyện. 

Cách ly F0 (nhẹ) và F1 tại nhà, lợi đôi đường ảnh 1 Lực lượng y tế tầm soát Covid-19 tại phường 9, quận 10, TPHCM, sáng 17-7. Ảnh: CAO THĂNG
Giảm thời gian điều trị F0 tại bệnh viện

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 17-7, toàn thành phố có 23.981 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, trung bình mỗi ngày có hơn 2.000 ca mắc mới được xác định. Thành phố đã đưa vào hoạt động 24 bệnh viện (BV) điều trị Covid-19 (19 BV đã hoạt động, 5 BV đang thiết lập) với tổng công suất 45.000 giường bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều BV thu dung, điều trị Covid-19 đang trở nên quá tải do số lượng F0 tăng nhanh mỗi ngày. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã ban hành công văn về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo đó, các bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với Covid-19 hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.

Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với Covid-19) không có triệu chứng lâm sàng nếu có tải lượng virus thấp thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24 giờ làm lại xét nghiệm nếu tiếp tục có tải lượng virus thấp hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với Covid-19 thì cho bệnh nhân xuất viện và thực hiện giám sát y tế tại nhà.

Cách ly F0 (nhẹ) và F1 tại nhà, lợi đôi đường ảnh 2 Nhân viên y tế thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe người được cách ly tại nhà ở TPHCM
Nên cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà

PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, BV Đại học Y Dược TPHCM đề xuất, hãy để F0 đủ điều kiện được kiểm soát tại cộng đồng, không nên đưa toàn bộ vào BV. Thực tế có rất nhiều người nhiễm (F0) không có triệu chứng và trong đó có rất nhiều người có đủ ý thức phòng bệnh, đủ năng lực hành vi và đủ điều kiện nhà cửa, kinh tế để tự theo dõi ở nhà. Khi giảm được một lượng lớn F0, các BV dã chiến sẽ đỡ đi nhiều áp lực và có thể tập trung điều trị cho người bệnh nặng nhằm giảm thiểu tử vong.

“Chỉ những trường hợp người thiểu năng trí tuệ, người già lú lẫn, người vô gia cư, chỗ ở chật chội, trong nhà có người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ chuyển xấu nếu mắc Covid-19, tải lượng virus cao thì mới nên chuyển điều trị tập trung”, PGS-TS-BS Lê Minh Khôi nhấn mạnh.

Theo PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, để việc theo dõi, giám sát các F0 không triệu chứng cách ly tại nhà diễn ra thuận lợi cần huấn luyện cho các tổ trưởng, tổ phó dân phố, bảo vệ dân phố, cảnh sát khu vực giám sát chặt về tuân thủ giãn cách, theo dõi chỉ số nồng độ oxy SpO2. Nhân viên y tế sẽ được phân về từng khu vực cụ thể tùy theo mật độ, số lượng, độ phức tạp địa hình và chỉ cần can thiệp khi diễn tiến theo xu hướng xấu.

Đồng tình với ý kiến này, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, BV Nhi đồng 1 cho rằng, việc cho phép F0 không triệu chứng, có tải lượng virus thấp cách ly tại nhà trong tình hình hiện nay là cần thiết. Điều quan trọng trong cách ly F0 tại nhà là không để lây cho các thành viên khác trong gia đình. F0 nên giữ khoảng cách với người trong nhà ít nhất 2m, không ăn chung, không ngủ chung, không nghỉ ngơi sinh hoạt chung. Khi tiếp tế phải giữ khoảng cách và cả 2 cùng mang khẩu trang và tấm che giọt bắn. F0 khi ở một mình trong phòng thì không cần thiết luôn mang khẩu trang. Làm vệ sinh bề mặt nơi ngồi làm việc, phòng ốc phải thông thoáng. Nhà vệ sinh phải thật sạch vì nơi này là ổ tác nhân gây bệnh khác. Uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ, cố gắng vận động là một trong những biện pháp tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại sự tấn công của virus.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai vừa có công văn đề nghị UBND TP Biên Hòa thực hiện thí điểm cách ly F1 tại các phường, xã nhà trên địa bàn. Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang xem xét cho cách ly F1 tại nhà trên diện rộng sau khi thí điểm hiệu quả tại phường An Bình và phường Dĩ An (TP Dĩ An) và TP Thuận An

XUÂN TRUNG - TIẾN MINH

Tin cùng chuyên mục