Ngày 22-5, UBND TPHCM sơ kết 3 năm (2016-2018) chương trình Giảm nghèo bền vững của TPHCM giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đến dự. Điểm nổi bật sau 3 năm giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều là TP đã tạo động lực và yếu tố quyết định chính là ý chí phấn đấu tự vượt nghèo của người nghèo, hộ nghèo.
Điển hình vượt nghèo của đồng bào Chăm
Gia đình ông Mohamach Jacob (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM), gồm 5 người, có thu nhập bình quân 19,2 triệu đồng/người/năm. Hoàn cảnh gia đình trước đây rất khó khăn. Vợ chồng ông Mohamach Jacob và con gái thứ nhất phụ bán kẹp cài tóc ở chợ, thu nhập bấp bênh, các con còn nhỏ đang đi học. Căn nhà bị hư hỏng nhiều, dột khắp nơi khi mưa xuống...
Được sự quan tâm của địa phương, ông Mohamach Jacob và gia đình đã tự vươn lên, đều kiếm được việc làm ổn định. Các con được hỗ trợ đầy đủ. Trong đó, con gái Salami được học nghề, đi làm tiệm bánh. Con gái thứ hai Nus Lay La được nhận học bổng, đang học năm 3 tại Học viện Cán bộ TPHCM, vừa đi học vừa làm thêm ở tiệm bánh, và là cộng tác viên dân số của phường với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Con trai Mohamach Nurdin hàng năm đều được nhận học bổng theo học cấp 2.
Gia đình ông Mohamach Jacob còn được hỗ trợ xây mới căn nhà với kinh phí 60 triệu đồng. Hiện nay, thu nhập bình quân của gia đình đạt gần là 34 triệu đồng/người/năm và trở thành điển hình vượt nghèo tiêu biểu trong cộng đồng người Chăm ở địa phương.
Tương tự, gia đình ông Võ Văn Sáu (xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) có 4 người. Ông Sáu chuyên trồng ớt và nuôi bò, vợ may gia công, có 2 con học cấp 2. Đầu năm 2016, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo (thu nhập bình quân 19,5 triệu đồng/người/năm, trong khi chuẩn nghèo là 21 triệu đồng/người/năm). Năm 2016, thông qua tổ tự quản giảm nghèo, ông Sáu được hướng dẫn cách trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời được hỗ trợ vốn vay. Sau 3 năm, từ 1 con bò ban đầu, gia đình ông Sáu đã gầy đàn bò 4 con; trồng hoa màu từ 1 vụ tăng lên 3 vụ; hai con ông Sáu đều được xã, huyện cấp học bổng, yên tâm đến trường.
Thời gian qua, các địa phương luôn chú trọng vào yếu tố mấu chốt để các gia đình giảm nghèo: nâng cao học vấn, học nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho các thành viên hộ nghèo. Tại phường 5 (quận 6), nơi có 157 hộ nghèo và 309 hộ cận nghèo vào năm 2016, phường đã triển khai mô hình “Kết nối doanh nghiệp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, học phí và giao hàng gia công cho hộ cận nghèo”. Mô hình này giúp 21 hộ nghèo, hộ cận nghèo có công ăn việc làm thường xuyên; đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Ba (ngụ 907/39D Lò Gốm, phường 5), được phường giới thiệu nhận hàng gia công quay kẽm và làm giấy, hỗ trợ học nghề làm móng. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo với thu nhập 31 triệu đồng/người/năm, đã xây được nhà mới khang trang, không còn nghèo ở cả 3 chiều về nhà ở, trình độ nghề và việc làm.
Cho “cần câu”, không cho “con cá”
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, đánh giá, TPHCM đã khuyến khích, phát huy vai trò tự vươn lên giảm nghèo bền vững của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đây là một trong những vấn đề cốt lõi, tạo ra thành công của chính sách giảm nghèo bền vững. Về chương trình giảm nghèo từ nay đến năm 2020, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho hay, TP đã nâng chuẩn nghèo lên 28 triệu đồng/người/năm và giữ nguyên cách đo lường nghèo ở 5 chiều xã hội; chuẩn cận nghèo từ 28-36 triệu đồng/người/năm. Với khoảng 103.000 hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn 2019-2020, TP phấn đấu giảm hộ nghèo bình quân 0,7%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,9%/năm. Dự kiến, cuối năm 2020, TP hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019 - 2020.
Tại buổi sơ kết, đồng chí Võ Thị Dung đánh giá cao và biểu dương những tập thể, cá nhân đã góp sức cho chương trình Giảm nghèo bền vững của TP. Đồng chí Võ Thị Dung cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần khắc phục trong chương trình. Cụ thể, nhiều kinh nghiệm, cách giảm nghèo hay dù được chú trọng nhân ra nhưng vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức lan tỏa. Việc hướng dẫn để hộ nghèo trực tiếp quyết định cách thoát nghèo của gia đình mình dù đã làm, song vẫn còn hạn chế. Các chiều nghèo về nhà ở, trình độ học vấn, nghề nghiệp, BHXH đã được kéo giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao.
Trong giai đoạn 2019-2020, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải phối hợp nắm rõ tình hình thiếu hụt của từng hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp tác động cụ thể về sản xuất, kinh doanh, giáo dục, dạy nghề... một cách phù hợp; lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn chặt với việc xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cũng đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh hơn cuộc vận động vì người nghèo, theo hướng trao “cần câu” chứ không phải cho “con cá”.
Trong 3 năm qua, TPHCM đã huy động nguồn lực thực hiện chương trình năm 2016-2018 khoảng 11.500 tỷ đồng. Hơn 60.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và gần 59.000 hộ cận nghèo được hỗ trợ vượt chuẩn cận nghèo. Đến cuối năm 2018, TPHCM hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo. |