Cách các nước phòng chống, ứng phó với bão lũ

Biến đổi khí hậu khiến thế giới phải hứng chịu rất nhiều cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp, kéo theo tình trạng lũ lụt trên diện rộng, các vụ sạt lở, lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Cảnh giác và chủ động

Tại châu Á, có thể nói Nhật Bản là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất do thiên tai như động đất, sóng thần, bão lũ, sạt lở đất, lũ bùn. Nước này có 3 cấp chính quyền là chính phủ quốc gia, quận và thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, trong các kế hoạch phòng chống thiên tai toàn diện đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm phải thực hiện trong các giai đoạn khác nhau của các cấp.

Về phòng chống bão, các địa phương và cơ quan chức năng của Nhật Bản luôn thực hiện đúng những việc phải làm định kỳ, đó là: kiểm tra, thăm khám cây xanh, nhắc nhở các hộ gia đình gia cố, chằng néo nhà cửa trước bão; giao nhiệm vụ cho các công ty viễn thông cụ thể phải đảm bảo liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, đồng thời khuyến cáo người dân kiểm tra các thiết bị thông tin như điện thoại, radio phòng chống thiên tai... Về chống lụt, Nhật Bản luôn chú trọng việc nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống tiêu thoát nước mưa nhằm đảm bảo nước mưa thoát nhanh nhất để tránh ngập lụt, mất vệ sinh sau lũ lụt. Chính quyền địa phương sở hữu và quản lý cơ sở hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải và chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của các cơ sở đó.

N8c.jpg
Theo dõi mắt tâm bão qua vệ tinh Beryl, tại Trung tâm Dự báo Đại học Colorado, Miami, Florida, Mỹ. Ảnh: NEWSWEEK

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã thiết lập Hệ thống thu thập dữ liệu khí tượng tự động nhằm quan sát các hiện tượng khí tượng gây ra thảm họa bão và lũ lụt. Nhật Bản ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về lượng nước mưa... song song với áp dụng các “giải pháp mềm” như: cung cấp thông tin, khuyến khích người dân sơ tán đến khu vực an toàn. Việc phòng chống thiên tai, ứng phó thảm hoạ, từ lâu đã nằm trong chương trình học từ bậc mẫu giáo của học sinh Nhật Bản, nên các em đã sớm được trang bị kiến thức ngay từ nhỏ...

Cảnh báo sớm

Tại Trung Quốc, hàng năm, khoảng từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 là mùa lũ chính ở nước này. Ngoài việc tăng cường đầu tư xây dựng, gia cố các công trình phòng chống lũ lụt, Trung Quốc coi trọng áp dụng các giải pháp phi công trình, như dự báo, cảnh báo sớm; quản lý vùng chứa nước; nạo vét dòng chảy; chính sách bảo hiểm lũ lụt; cứu trợ thảm họa....

Hơn 20.000 trạm cùng hàng ngàn điểm quan trắc và hệ thống dự báo tự động được lắp đặt trên toàn quốc để thực hiện dự báo và cảnh báo sớm. Các thiết bị hiện đại như vệ tinh, radar, hệ thống quan trắc thủy văn và truyền số liệu vô tuyến điện tiến hành xử lý, dự báo chính xác các đặc trưng cơ bản của lũ lụt như: đỉnh lũ, lượng nước, mức lũ, tốc độ dòng chảy, thời gian lũ đến, lịch sử lũ… Ủy ban quốc gia về phòng chống lũ lụt và khô hạn được thành lập với thành phần chính là lực lượng chức năng của Quốc vụ viện và Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc (Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc). Bộ Thủy lợi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nguồn nước. Ngoài ra, ở mỗi cấp từ trung ương đến các tỉnh, địa khu và cấp huyện đều có một cơ quan quản lý nguồn nước.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc quy hoạch lại việc phát triển hệ thống thủy điện vừa và nhỏ theo hướng ưu tiên bảo vệ môi trường; cấm xây dựng thủy điện nhỏ ở những khu sinh thái trọng điểm quốc gia, hạn chế xây dựng ở khu vực sinh thái quan trọng và khu sinh thái yếu.

Cơ chế ứng phó khẩn cấp

Sau cơn bão Katrina, nước Mỹ hứng chịu nhiều chỉ trích do phản ứng chậm chạp với cơn bão gây thiệt hại nặng nề. Chính phủ Mỹ buộc phải xây dựng lại các công trình chống chọi với bão lũ, thiết lập các kế hoạch ứng phó khẩn cấp cũng như tái thiết sau thảm họa. Nhiều đạo luật dựa trên các sáng kiến mới đã được thông qua tạo nên những cơ chế ứng phó, giúp khắc phục tốt hậu quả thiên tai và thảm họa. Khi thảm họa được công bố, chính quyền liên bang do Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) đứng đầu sẽ có các biện pháp phản ứng theo yêu cầu của các tiểu bang, lãnh thổ bị ảnh hưởng. FEMA chỉ định một quan chức thành lập văn phòng ứng phó thiên tai, các hoạt động ứng phó, phục hồi được thiết lập theo khung đối phó thảm họa quốc gia.

Los Angeles là một ví dụ điển hình trong công tác phòng chống bão lũ khi chuyển mình thành “thành phố bọt biển”, xây dựng lại các công trình hạ tầng giao thông thay cho các công trình bê tông không thấm nước. Vỉa hè, bãi đậu xe được hoàn thiện bằng vật liệu thấm nước, giúp nước thấm qua các tầng đất. Hệ thống máng xối, hệ thống dẫn nước, cũng như đê điều được kiểm tra thường xuyên hơn. Một số thành phố ở bờ Đông nước Mỹ đã xây dựng hệ thống cống ngầm với độ dốc lớn, đường kính lớn hơn và bố trí đường thoát nước dày đặc hơn, tốc độ thoát nước tăng lên đáng kể giúp giảm tình trạng ngập úng tại các đô thị. Hiện giới chuyên gia khí tượng Mỹ đang khuyến nghị có thể tiến tới việc thu thập và sử dụng nước mưa, coi đó là nguồn tài nguyên có thể sử dụng.

Tin cùng chuyên mục