Năm 2021, người lao động được nghỉ làm việc bao nhiêu ngày mà vẫn được hưởng nguyên lương? Quy định về việc này có điểm gì mới so với năm 2020? (NGUYỄN LÊ ANH, quận 2, TPHCM)
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Từ ngày 1-1-2021, Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực, có điểm mới về các trường hợp người lao động được nghỉ làm việc mà vẫn hưởng nguyên lương.
Cụ thể, về nghỉ phép hàng năm, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho 1 người chủ sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Trong đó, người lao động được nghỉ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; nghỉ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghỉ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cùng với đó, người lao động được nghỉ 11 ngày lễ, tết và được hưởng nguyên lương trong 11 ngày này, gồm: 1 ngày Tết Dương lịch (ngày 1-1); 5 ngày Tết Âm lịch; 1 ngày Chiến thắng (ngày 30-4 dương lịch); 1 ngày Quốc tế Lao động (ngày 1-5 dương lịch); 2 ngày Quốc khánh (ngày 2-9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau) và 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch).
Như vậy, theo luật mới, số ngày nghỉ tăng thêm 1 ngày so với luật cũ, đó là ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2-9, tùy thực tế và do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Ngoài ra, người lao động được nghỉ việc riêng. Với việc hỷ, kết hôn được nghỉ 3 ngày; con đẻ, con nuôi kết hôn cũng được nghỉ 3 ngày. Với việc hiếu, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ/chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết, người lao động đều được nghỉ 3 ngày. Như vậy, từ năm 2021 có điểm mới nữa là luật bổ sung thêm đối tượng là cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng qua đời thì người lao động được nghỉ 3 ngày lo việc hiếu, giống như cha mẹ ruột.