Ngày 28-12, trước thông tin về việc một số trẻ tiêm vaccine ComBE Five bị phản ứng sau tiêm, thậm chí phải nhập viện điều trị, Bộ Y tế đã có khuyến cáo cho biết vaccine ComBE Five cũng giống như vaccine DPT-VGB-Hib khác hoặc vaccine DPT có thành phần ho gà toàn tế bào, phản ứng nặng thường rất hiếm gặp mà sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như: sốt nhẹ (<38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… song các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.
Để phòng ngừa các nguy cơ phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five, Bộ Y tế khuyến cáo không tiêm chủng vaccine cho các trường hợp:
- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine DPT-VGB-Hib lần tiêm chủng trước hoặc vaccine có thành phần DPT.
- Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như: hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan.
- Tạm hoãn tiêm chủng vaccine DPT-VGB-Hib cho các trường hợp trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).
- Trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng.
- Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.
- Trẻ có cân nặng dưới 2.000 gram...
Khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoăc có bất thường gì khác.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vừa qua, một số trẻ tại Nam Định có phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five phải nhập viện nên Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Nam Định đã họp và có báo cáo với Cục Y tế dự phòng. Đồng thời, Chương trình tiêm chủng mở rộng đang tổng hợp báo cáo về các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng đối với vaccine ComBE Five ở các địa phương khác.
Trong khi đó, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, những trường hợp bị phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five vừa qua đó là những biểu hiện thông thường khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào, như: sưng, đau, quấy khóc. Hơn nữa, loại vaccine ComBE Five mới này có thành phần tương tự vaccine Quinvaxem và trước khi triển khai tiêm chủng mở rộng, cơ quan chức năng đã kiểm định chất lượng an toàn mới đưa vào sử dụng.
“Vaccine ComBE Five đã được kiểm tra chất lượng, có tính an toàn và hàng chục triệu trẻ em trên thế giới tin dùng. Phụ huynh không nên quá lo lắng và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm đúng lịch...” – GS.TS Đặng Đức Anh khuyến cáo.
Tại nước ta, trong thời gian triển khai thí điểm vaccine ComBE Five tại 7 tỉnh thành (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp và Bà Rịa Vũng Tàu) tính đến ngày 30-11 đã có trên 17.356 trẻ đã được tiêm vaccine ComBE Five đạt tỷ lệ tiêm chủng đạt 75,7%. Việc theo dõi phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five được thực hiện chủ động, chặt chẽ trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng và được ghi chép, báo cáo tất cả các trường hợp phản ứng thông thường.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt<39°C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) là 5,5%. Có 3 trường hợp phản ứng phải nhập viện điều trị đã được Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng tuyến tỉnh kết luận có 2 trường hợp phản ứng phản vệ, một trường hợp sốt cao/co giật đã được xử trí ban đầu và cấp cứu kịp thời tại bệnh viện và không có trường hợp tử vong.
ComBE Five là vaccine phối hợp “5 trong 1” phòng 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm não Hib) do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất và được Bộ Y tế sử dụng thay thế vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Theo báo cáo của nhà sản xuất, từ 21-11-2015 đến 20-11-2016, tổng số liều ComBE Five được sử dụng là khoảng 40 triệu liều, có 11 trường hợp ghi nhận có phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, trong đó có 5 trường hợp sốt cao, co giật, khóc dai dẳng, nôn và đều qua khỏi và không để lại di chứng. Còn lại là 6 trường hợp tử vong (2 trường hợp sặc sữa, 1 trường hợp viêm phổi, 1 trường hợp nhiễm trùng huyết nặng, 1 trường hợp không rõ nguyên nhân và 1 trường hợp có hội chứng chết đột ngột của trẻ sơ sinh (SIDS). |