Toàn bộ điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển đều được các trường đăng tải trên website của nhà trường để thí sinh tìm hiểu. Thí sinh nhập học phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia 2019.
Trường ĐH Kinh tế - Luật có điểm chuẩn cao ngất ngưỡng. Thống kê cho thấy, điểm chuẩn trung bình năm nay của trường là 24,13 điểm, trong đó điểm chuẩn trung bình khối ngành kinh tế là 24,02 điểm, khối ngành kinh doanh và quản lý là 24,38 điểm và khối ngành luật là 23,51 điểm.
So với năm 2018, điểm chuẩn năm nay tăng từ 1,6-4,1 điểm. Điểm chuẩn cao nhất là ngành Kinh tế quốc tế với 25,7 điểm (cao hơn điểm sàn xét tuyển đến 6,7 điểm). Theo thống kê, có 12.197 thí sinh với 21.690 nguyện vọng đăng ký vào trường. Trong đó, 895 thí sinh có tổng điểm từ 24 trở lên trúng tuyển vào trường.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có điểm chuẩn từ 16-25 điểm, với trên 243 thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên. Thống kê cho thấy ngành có điểm chuẩn cao nhất là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (25 điểm). Thủ Khoa năm 2019 là thí sinh Võ Chánh Hưng (Quảng Ngãi) trúng tuyển nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin với điểm với số điểm là 27,95.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có điểm chuẩn dao động từ 19-25,5 điểm. Điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành (tổ hợp C00) với 25,5 điểm, Ngôn ngữ Anh (tổ hợp D01) với 25 điểm, Báo chí (tổ hợp C00) với 24,7 điểm, Ngôn ngữ Anh hệ chất lượng cao (tổ hợp D01) với 24,5, Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành (tổ hợp D01, D14) với 24,5 điểm, Truyền thông đa phương tiện (tổ hợp D01, D14, D15) với 24,3 điểm, Quan hệ quốc tế hệ đại trà và chất lượng cao (tổ hợp D01, D14) với 24,3 điểm, Báo chí hệ đại trà (tổ hợp D01, D14) với 24,1 điểm…
Trường ĐH Bách khoa có điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính cao nhất với 25,75 điểm (hệ đại trà) và 24,75 hệ chất lượng cao và chương trình tiên tiến. Tổng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT Quốc gia 2019 là khoảng hơn 3.500 (trên tổng chỉ tiêu 5.000).
Điểm chuẩn các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ngoại trừ các ngành có môn ngoại ngữ nhân hệ số 2, các ngành, nhóm ngành có điểm chuẩn cao dao động từ 21 - 26 điểm. Một số ngành thuộc nhóm Khoa học cơ bản, Khoa học tự nhiên có mức điểm chuẩn dưới 20 điểm.
Năm 2019, tổng chỉ tiêu vào ĐH Quốc gia Hà Nội 9.845, trong đó có 9.045 chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả thi THPT Quốc gia 2019, 795 chỉ tiêu tuyển sinh bằng các phương thức khác.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM điểm chuẩn cũng tăng cao so với năm 2018. Điểm chuẩn cao nhất năm nay của trường là ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo 25,2 điểm (hệ đại trà). Kế đến là các ngành Công nghệ thông tin (hệ đại trà) 23,9 điểm, Công nghệ kỹ thuật ô tô (hệ đại trà 23,7 điểm. Những ngành còn lại điểm chuẩn từ 17 – 23,04 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có điểm chuẩn dao động từ 16 đến 21,5 điểm. Hai ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và Bảo hộ lao động điểm chuẩn cao nhất 21,5 điểm. Kế đến là các ngành Luật kinh tế 21 điểm, Kinh doanh quốc tế 20,50 điểm, nhóm ngành du lịch 20 điểm. Đối với các ngành thuộc chương trình chất lượng cao điểm chuẩn từ 16-18 điểm
Trường ĐH Kiến trúc TPHCM có điểm chuẩn từ 15-22,85 điểm. Ngành Kiến trúc điểm chuẩn cao nhất 22,85 điểm, kế đến là các ngành Thiết kế đồ họa 22,65 điểm, ngành Thiết kế nội thất là 22,55 đểm. Một số ngành khác như Mỹ thuật đô thị, Kiến trúc cảnh quan, Thiết kế nội thất, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế thời trang, Kiến trúc (chất lượng cao) cũng trên 21 điểm. Điểm thi các môn năng khiếu phải đạt từ 5.0 điểm trở lên.
Đối với hệ chất lượng cao và hai cơ sở tại Lâm Đồng và Cần Thơ có điểm chuẩn từ 15-21,25 điểm. Thí sinh có hộ khẩu thuộc 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã đăng ký nguyện vọng học tại Trung tâm đào tạo cơ sở Cần Thơ được xét trúng tuyển theo ngành đăng ký dự thi và học tại cơ sở này trong suốt khóa học.
Thí sinh có hộ khẩu thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và 8 tỉnh, thành Nam Trung bộ đã đăng ký nguyện vọng học tại Trung tâm đào tạo cơ sở Đà Lạt được xét trúng tuyển theo ngành đăng ký dự thi và học tại cơ sở này trong suốt khóa học.
Nhóm trường Y có điểm chuẩn tăng không nhiều so với năm 2018. Nhìn chung điểm chuẩn tăng từ 1 - 2,3 điểm.
Trường ĐH Y dược TPHCM: Ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất 26,7 điểm (tăng 1,75 điểm) chỉ xét điểm thi THPT Quốc gia, với phương án xét điểm thi có chứng chỉ tiếng Anh điểm chuẩn là 24,7 điểm. Ngành Răng - hàm - mặt 26,1 điểm, ngành Dược học 23,85 điểm, ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học 23 điểm. Những ngành còn lại có điểm chuẩn từ 20 đến 22,55 điểm.
Trường ĐH Y Hà Nội: Điểm chuẩn ngành Y khoa cao nhất với 26,75 điểm (tăng 2 điểm so với năm 2018). Ngành Răng - hàm - mặt 26,4 điểm. Những ngành còn lại có điểm chuẩn từ 19 đến 23,4 điểm. Ngành Y khoa tại phân hiệu Thanh Hóa có điểm chuẩn 24,3 điểm.
Trường ĐH Y dược Cần Thơ: Điểm chuẩn ngành Y khoa cao nhất với 24,3 điểm (tăng 2,3 điểm), ngành Dược 23,55 điểm (tăng 1,55 điểm), ngành Răng - hàm - mặt 24,15 điểm (tăng 1,65 điểm). Những ngành còn lại có điểm chuẩn từ 18 đến 22,5 điểm.
Số thí sinh trúng tuyển đợt I bằng điểm thi THPT Quốc gia đạt 115% chỉ tiêu Thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy, kết quả tuyển sinh đợt I năm 2019 tương đối ổn định so với 2 năm trước. Số trúng tuyển sau lọc ảo là 405.193, đạt 115% chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2019, chỉ tiêu từ điểm thi THPT Quốc gia là 351.154; trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 29.765. Số trúng tuyển sau lọc ảo là 405.193, đạt 115% chỉ tiêu; trong đó, trúng tuyển sư phạm là 18.536. Bộ GD-ĐT cho hay, 90 trường trong nhóm xét tuyển phía Nam và 53 trường trong nhóm xét tuyển phía Bắc đã tham gia đầy đủ, hoạt động hiệu quả. Hệ thống mạng ổn định. Về kết quả tuyển trước đợt I theo các phương thức khác (không lấy từ điểm thi), Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung là 35.147 em (năm 2018 khoảng 17.469), các thí sinh này đã được đưa ra khỏi danh sách tham gia xét tuyển đợt I. Có thể thấy, bên cạnh việc các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, thì với tỷ lệ 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu khi kết thúc xét tuyển đợt I - có thể nói công tác tuyển sinh 2019 đã gần như hoàn tất. Có 26% đơn vị tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, nhìn chung, mặt bằng điểm trúng tuyển của hầu hết các trường năm nay đều tăng nhẹ so với năm trước. So với những năm trước, điểm trúng tuyển cho thấy có sự phân tầng chất lượng trong cả hệ thống. Cụ thể, bên cạnh một số trường tốp dưới còn lấy dưới 15 điểm thì những trường có chính sách chất lượng tốt và có những lợi thế khác đã lấy tới 26-27 điểm. Năm nay, quyền định điểm sàn đầu vào được Bộ GD-ĐT trao cho các trường. Bộ GD-ĐT chỉ quyết định điểm sàn của trường sư phạm và trường y. Đáng mừng là điểm trúng tuyển của khối sư phạm đã tăng cùng với mức tăng điểm sàn, trong đó, các trường truyền thống đào tạo sư phạm có mức điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn. Trường Đại học sư phạm (ĐHSP) Hà Nội, bên cạnh việc có thí sinh huy chương vàng Toán quốc tế đăng ký xét tuyển, còn có 7 ngành lấy điểm trúng tuyển từ 20 điểm, Trường ĐHSP TPHCM có 7 ngành lấy từ 19,5 đến 21 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất trúng tuyển và thực tế, hầu hết các em trúng tuyển cao hơn mức này. Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường đào tạo các ngành sức khỏecũng tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước vì năm nay là năm đầu có điểm sàn riêng cho khối sức khoẻ. Mức điểm trúng tuyển của các trường đào tạo y khoa được rút ngắn khoảng cách, còn từ 21 đến 26,75 điểm. Như vậy, với quy chế tuyển sinh như năm nay, chúng ta có thể khá yên tâm về chất lượng của đội ngũ quan trọng trong xã hội là các thầy thuốc và thầy cô giáo. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, độ chênh về điểm chuẩn giữa các nhóm trường như đã nói ở trên thể hiện chính sách chất lượng của từng trường và sự phân khúc chất lượng của mỗi nhóm trường trong toàn hệ thống. Điều đó cũng phản ánh uy tín của các trường. Tuy nhiên, có những trường như khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi… thì ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung vì xã hội cho là không hấp dẫn. Nhóm ngành này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng còn cần phải có đầu tư, ưu đãi với người học, với người lao động trong ngành và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh. Còn lại, đa số các trường khác mà xác định điểm trúng tuyển thấp là trường chất lượng thấp, chưa có uy tín để thu hút học sinh giỏi và buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp. |