Trong các nghị quyết của Chính phủ cũng như chiến lược phát triển của Bộ GD-ĐT cũng luôn nhấn mạnh các trường ĐH phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có nhiều nhà khoa học trong hệ thống giáo dục ĐH đoạt giải thưởng cao của thế giới, cũng như chưa có những nhóm nghiên cứu mạnh ở các công trình quốc tế.
Đầu tư còn… khiêm tốn
Thống kê cho thấy, các trường ĐH hiện cung cấp hơn 90% nhân lực khoa học - công nghệ (KH-CN) trong cả nước, 10% còn lại được đào tạo ở nước ngoài. Đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH được xếp là 1 trong 5 lực lượng làm công tác khoa học trong các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, khoa học kinh tế, giáo dục, kỹ thuật - công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, y dược, tài nguyên và môi trường.
Tuy nhiên, đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học trong cả nước hiện nay bình quân chỉ khoảng 1,7% ngân sách (giai đoạn 2011-2015), tương đương 0,4% GDP (trong khi tại Malaysia là 1,26%, Singapore là 2,2%). Đầu tư thấp, dàn trải nên năng suất nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế, của các trường hiện nay khá khiêm tốn. Khối các trường kỹ thuật công nghệ, bên cạnh các sản phẩm thương mại và các bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ, khối trường này luôn có tỷ lệ công bố quốc tế cao nhất. Trong giai đoạn 2011-2016, khối trường này (16 trường) công bố quốc tế 1.733/5.738 bài báo quốc tế của cả nước, chiếm 30% toàn ngành. Tuy nhiên, so với các ĐH khác trong khu vực thì năng suất nghiên cứu khoa học khá thấp.
Khối các trường nông - lâm - ngư - y đã có 3.349 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế. Nếu so sánh với nguồn nhân lực hiện có thì số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của khối trường này rất khiếm tốn, bình quân chỉ đạt 0,74 bài/cán bộ khoa học trong 5 năm (2011-2016), trong khi đó nhiều trường có lịch sử phát triển 20 - 60 năm.
Khối các trường ĐH sư phạm (21 trường thuộc Bộ GD-ĐT) có 2.000/9.000 giảng viên là tiến sĩ (TS). Nhưng số lượng bài báo quốc tế có uy tín như ISI/SCOPUS khá khiêm tốn so với nguồn nhân lực hiện có (chỉ có 804 bài trong giai đoạn 2011-2015). Trong đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tỷ lệ công bố bài báo quốc tế ISI là 0,15 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng 0,13 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm TPHCM 0,06 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có 0,02 bài/TS/năm. Thậm chí, Viện Khoa học giáo dục không có được một bài báo quốc tế nào.
Đối với các trường ĐH khối khoa học xã hội nhân văn, công bố quốc tế cũng không khá hơn là bao. Trung bình mỗi năm, một nhà khoa học đạt gần 0,5 bài. Duy nhất chỉ có Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đạt 1,45 bài/TS/năm. Bên cạnh đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các trường còn quá thấp, nhiều trường gần như là số không…
Giải pháp nào?
Nhìn một cách tổng thể, muốn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường ĐH có hiệu quả thì phải thay đổi và điều chỉnh nhiều chính sách. Trong đó, 3 giải pháp cốt yếu phải là tạo cơ chế đột phá, thay đổi điều chỉnh cách đầu tư và hợp tác.
Theo PGS-TS Vũ Văn Tích, Trưởng nhóm nghiên cứu tình hình hoạt động KH-CN của 142 trường ĐH giai đoạn 2011-2016, về cơ chế, liên Bộ KH-CN, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ phối hợp thay đổi mô hình đầu tư cho KH-CN của các trường ĐH, không phân biệt giữa trường công và trường tư, mà hướng tới sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học. Về đầu tư, phải thay đổi phương thức tổ chức nhiệm vụ KH-CN (các đề tài, dự án cấp bộ) trong các trường ĐH theo dạng chương trình nghiên cứu gắn với mục tiêu phát triển của quốc gia, tránh đầu tư dàn trải. Các chương trình nghiên cứu phải hướng tới tạo ra sản phẩm phục vụ đào tạo nhân lực và ứng dụng trực tiếp cho xã hội, đồng thời gắn với xu thế KH-CN của thế giới hiện nay là cách mạng công nghiệp 4.0.
Phải thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách KH-CN theo mô hình quỹ, đầu tư theo dạng đặt hàng. Theo đó, kinh phí sẽ được đưa về quỹ và đặt hàng theo yêu cầu thực tế, không bị áp lực giải ngân. Để tạo sự liên kết, chính sách phải tạo điều kiện đẩy mạnh phối hợp công - tư cho các nhà khoa học khi nghiên cứu. Họ có thể huy động vốn, sử dụng nguồn lực, trang thiết bị đầu tư cho phát triển sản phẩm, phối hợp thương mại hóa bằng cách hình thành doanh nghiệp KH-CN.
Về phía Bộ GD-ĐT, phải nhanh chóng xây dựng các đề án phát triển hạ tầng KH-CN gắn với tự chủ ĐH sau năm 2020, như triển khai các dự án đầu tư trọng điểm cho một số tổ chức KH-CN ngay trong các trường ĐH với yêu cầu phải có sản phẩm cụ thể, gắn với khởi nghiệp và thực hiện các chương trình nghiên cứu có ảnh hưởng tới toàn ngành.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2015, ngành giáo dục chỉ đầu tư cho nghiên cứu khoa học gần 1.284 tỷ đồng; ít hơn nhiều so với Bộ KH-CN gần 7.000 tỷ đồng, Bộ NN-PTNT hơn 3.724 tỷ đồng, Bộ GTVT hơn 1.495 tỷ đồng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hơn 2.858 tỷ đồng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội hơn 1.386 tỷ đồng. Trong khi đó, mức độ hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học của hệ thống giáo dục ĐH rất ít, chỉ một số ít trường khối công nghệ, kỹ thuật có sự liên kết cao hơn.