Các trường đại học muốn đề thi tốt nghiệp THPT có tính phân hóa cao hơn

Chiều 11-3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo công tác chuẩn bị đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tại đây, các trường đại học muốn đề thi tốt nghiệp THPT có tính phân hóa cao hơn.

Hội thảo công tác chuẩn bị đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Hội thảo công tác chuẩn bị đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở GD-ĐT đánh giá cao việc từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT 4 môn bảo đảm việc xét tuyển đại học theo định hướng, sở trường của học sinh, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Tuy nhiên, môn Tin học, Công nghệ lần đầu tiên trở thành môn thi tốt nghiệp, do đó, cần làm rõ định hướng trong đề thi để thí sinh chuẩn bị tốt. Mặt khác, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, do Chương trình GDPT 2028 mang tính mở cao, nên cần xác định phạm vi thi để thí sinh chủ động trong việc học. Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần tập trung trí tuệ toàn ngành để xây dựng và chuẩn hóa đề thi với chất lượng tốt nhất.

Tại hội thảo, hầu hết các địa phương đều mong muốn các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh; phụ huynh, học sinh rất băn khoăn về tổ hợp tuyển sinh đại học, do đó đề nghị các trường công bố sớm các tổ hợp xét tuyển để thí sinh sớm chuẩn bị, yên tâm học tập. Các địa phương cũng mong các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả để xét tuyển, từ đó giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và xã hội.

Về phía các trường đại học, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, Bộ GD-ĐT đã đầu tư và có nhiều năm tổ chức kỳ thi này, do đó tin tưởng kết quả kỳ thi có thể sử dụng để xét tuyển. Đại học Đà Nẵng cũng sẽ ưu tiên sử dụng kết quả để xét tuyển.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng mong Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi thật tốt để xã hội tin cậy, các trường đại học hoàn toàn yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển, tránh tình trạng thí sinh phải tham dự nhiều kỳ thi đánh giá năng lực riêng của các trường.

thu-truong-bo-gd-dt-nguyen-ngoc-thuong-22.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y dược TPHCM cũng cho rằng, các trường đại học có thể sử dụng, kể cả các trường y dược, nếu kết quả kỳ thi bảo đảm. Muốn vậy, chất lượng đề thi phải tốt, bảo đảm tính phân loại tốt, đánh giá được đúng năng lực thí sinh; đề thi không nên chỉ mang tính kiểm tra trí nhớ học sinh, mà cần có nhiều câu hỏi mang tính vận dụng kiến thức để đánh giá đúng năng lực học sinh.

GS-TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế cũng cho rằng, nếu kết quả kỳ thi tốt, các trường sẵn sàng sử dụng để xét tuyển; việc thí sinh thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn sẽ giúp thí sinh chọn môn thi gắn với định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, từ đó lựa chọn ngành, trường sát hơn, hạn chế được tỷ lệ ảo. Bộ GD-ĐT cần bảo đảm tính phân hóa của đề thi, bảo đảm đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

nth-2214-3860.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT

Trước băn khoăn của các trường, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định, công tác soạn thảo đề thi được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, sẽ phân hóa cao hơn nhưng không có nghĩa là việc ra đề thi phải khó hơn. kết quả thử nghiệm đề thi trên 5.000 học sinh cũng như kết quả thử nghiệm của các sở GD-ĐT đã cho thấy, có thể tin tưởng vào tính phân hóa của đề thi từ năm 2025.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng thừa nhận, điều mà xã hội cần là kết quả kỳ thi phải tin cậy. Thứ trưởng đề nghị bảo đảm công tác dạy và học, học thật thi thật, phát triển toàn diện năng lực học sinh. Cần làm tốt công tác đề thi, đáp ứng yêu cầu như ý kiến các địa phương, trường đại học đã kiến nghị.

Với các trường đại học, cần công bố sớm đề án tuyển sinh, nhất là các tổ hợp xét tuyển để thí sinh chủ động học và ôn luyện. Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra việc dạy và học của các địa phương trong bám sát định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

dsc-0334-7121.jpg
Các địa phương, trường đại học tham dự hội thảo

Thứ trưởng cũng cho biết, đề thi sẽ bảo đảm tính phân hóa cao hơn. Thí sinh chỉ cần có đủ kiến thức nền tảng sẽ đủ điểm để tốt nghiệp, nhưng để có điểm cao hơn, đủ điểm vào đại học thì phải học thực sự nghiêm túc. Các trường đại học tự chủ tuyển sinh nhưng phải hướng đến mục tiêu chung là vì quyền lợi thí sinh, giảm áp lực, giảm tốn kém, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Thực tiễn cho thấy, cần thống nhất tăng cường công tác quản lý nhà nước về các phương án tuyển sinh của giáo dục đại học. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển, vì sẽ có nhiều học sinh ở vùng khó khăn không đủ điều kiện về các trường đại học để tham dự kỳ thi riêng. Dĩ nhiên, ở chiều ngược lại, ngành giáo dục sẽ nỗ lực tối đa để bảo đảm kết quả kỳ thi là đáng tin cậy nhất để các trường sử dụng xét tuyển.

Tin cùng chuyên mục