Đáng nói, một số trường ĐH công lập tự chủ hoàn toàn (không còn hưởng ngân sách từ Nhà nước) và khối các trường ĐH tư càng khó khăn hơn. Nhưng dù vậy, các trường ĐH vẫn gắng gượng tìm nhiều giải pháp chia sẻ với giảng viên, người lao động và sinh viên.
Ảnh hưởng nhiều mặt
TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, như nhiều trường khác, sinh viên nghỉ học kéo dài ảnh hưởng đến các hoạt động của trường, nhất là về tài chính. Tuy nhiên, đây là tình hình chung nên dù có phải tự bỏ kinh phí ra để đảm bảo các hoạt động phòng chống dịch, an toàn cho tất cả cán bộ giảng viên, người lao động là việc cần phải làm. Hiện nay, khó khăn nhất là trường phải triển khai hoạt động giảng dạy trực tuyến cho sinh viên.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, chia sẻ, dù trường đã có truyền thống và kinh nghiệm dạy trực tuyến nhưng khi triển khai dạy trực tuyến cho sinh viên cũng gặp một số hạn chế, khó khăn. Thứ nhất là phải tập huấn kỹ năng dạy trực tuyến, thiết kế bài giảng cho các giảng viên vì không phải giảng viên nào cũng biết dạy trực tuyến. Chi phí cho việc dạy trực tuyến tốn kém hơn so với dạy truyền thống, đó là chưa kể hệ thống đường truyền trục trặc khi quá tải. Kế đến là sinh viên cũng bỡ ngỡ khi học trực tuyến, đặc biệt những sinh viên ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, do đường truyền thường bị trục trặc.
Bên cạnh đó, dù không có nguồn thu nhưng các trường ĐH vẫn phải duy trì trả lương cho cán bộ giảng viên, người lao động. Riêng đối với sinh viên, nhiều trường đã có kế hoạch giãn thời gian đóng học phí vì kinh tế gia đình các em cũng bị ảnh hưởng.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, đối với trường tự chủ bị ảnh hưởng khó khăn rất rõ, như nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ giảm và chắc chắn nguồn thu cả năm sẽ giảm, kéo theo thu nhập của cán bộ giảng viên sẽ giảm. Đó là chưa kể theo dự báo trong năm tới, sinh viên sẽ nghỉ học nhiều vì kinh tế gia đình nhiều em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong khi đó, đối với các trường ĐH tư càng gặp khó khăn hơn, vì gần như 100% kinh phí hoạt động của trường đều phụ thuộc vào học phí của sinh viên. Đặc biệt, với những trường thuê mướn cơ sở vật chất để đào tạo, càng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Cần sự tiếp sức
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, nhưng chưa đề cập đến lĩnh vực GD-ĐT, nên các cơ sở giáo dục không thể tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ.
Với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Bộ GD-ĐT đề xuất miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và quý 2-2020. Bộ GD-ĐT cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và quý 2-2020.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập, vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác), nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà…
Cùng với đó, đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục nhằm giảm chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để các sở GD-ĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung, nhằm khuyến khích đa dạng phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay.
Mặc dù đang gặp không ít khó khăn và chờ Chính phủ xem xét hỗ trợ, nhưng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nhà trường hết sức chia sẻ với sinh viên và dự kiến sẽ giảm 8% học phí cho các em sinh viên; vẫn chi trả lương (lương cơ bản và thu nhập tăng thêm) bình thường cho cán bộ, giảng viên.
Tuy nhiên, trường cũng sẽ tính phương án giảm khoảng 10% thu nhập của giảng viên để chia sẻ khó khăn với nhà trường. Thực hành chính sách tiết kiệm, nhà trường chỉ làm việc thứ hai và thứ năm để tiết kiệm điện, nước… thay vì làm việc cả tuần như trước đây.
Một số trường ĐH khác vẫn đảm bảo chi trả lương đầy đủ cho cán bộ, giảng viên; dừng các dự án đầu tư để tập trung kinh phí cho giảng dạy trực tuyến, đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường ĐH tư như ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hiến, ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng quyết định miễn giảm 15%-20% học phí để hỗ trợ sinh viên.