Các trường chạy đua công bố quốc tế

Chưa khi nào các trường đại học (ĐH) Việt Nam lại chú trọng và đẩy mạnh đầu tư chất xám lẫn kinh phí để tăng công bố quốc tế như hiện nay. Nhiều trường chi đến vài trăm triệu đồng cho mỗi bài báo lọt vào danh mục ISI/SCOPUS, hay có trường xem đây là nhiệm vụ bắt buộc mà giảng viên, cán bộ nghiên cứu phải hoàn thành… Tất cả đều nhằm mục tiêu đẩy mạnh năng lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cán bộ nghiên cứu đang làm việc tại Viện Công nghệ nano (ĐH Quốc gia TPHCM)
Cán bộ nghiên cứu đang làm việc tại Viện Công nghệ nano (ĐH Quốc gia TPHCM)
Nhiều cơ chế hấp dẫn  


Nhóm khảo sát của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đã làm một cuộc thống kê, cho thấy, 19/23 trường ĐH công lập thí điểm tự chủ từ 2015 - 2017 đã có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng các bài báo công bố quốc tế. Trong giai đoạn 2013 - 2016, số lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất (năm 2016 gần gấp đôi so với năm 2014, từ 848 bài tăng lên 1.651 bài); số hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng gần gấp 3 trong giai đoạn 2013 - 2015. Từ năm 2017 đến nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế, với hơn 1.000 bài ISI/SCOPUS trong 1 năm; kế đến là Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội...

Trong số những trường công lập tự chủ nổi lên nhiều trường có chính sách thưởng như đòn bẩy để tăng số lượng công bố quốc tế. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) với cơ chế đặc thù đã chi tới hơn 30 triệu đồng cho mỗi bài báo của giảng viên được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Sự đầu tư này khiến tỷ lệ bài báo quốc tế/tiến sĩ của trường tăng đáng kể. Và hiện nay, việc công bố khoa học được trường quy định là nghĩa vụ bắt buộc của giảng viên.

Sau khi tự chủ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố mức thưởng đến 200 triệu đồng cho bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Còn Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, từ chỗ mỗi năm chỉ có vài chục bài báo quốc tế, hiện nay con số này đã lên đến hàng trăm. PGS-TS Đàm Sao Mai, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế nhà trường, cho biết: Năm 2016 trường đầu tư 764 triệu đồng hỗ trợ nghiên cứu, công bố quốc tế, nhưng năm 2017 đã tăng lên 2,4 tỷ đồng. Hiện nay, nếu giảng viên có bài công bố thuộc danh mục ISI/SCOPUS, sẽ được thưởng từ 40 - 50 triệu đồng. Mức thưởng của trường còn phân theo nam và nữ (cán bộ nữ sẽ có mức thưởng khuyến khích cao hơn cán bộ nam). 

Không chỉ có trường ĐH công lập mà các trường tư thục cũng xem công bố quốc tế là cơ sở để khẳng định uy tín, năng lực nghiên cứu của trường. Trong số hơn 60 trường ĐH tư thục của cả nước, ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Duy Tân là 2 trường dẫn đầu về đầu tư cho khoa học, nghiên cứu khoa học cũng như về số bài báo quốc tế lọt vào danh mục ISI/SCOPUS. 

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện thu hút khá nhiều tiến sĩ trẻ từ nước ngoài về để nghiên cứu. Trong năm 2017, trường đã có gần 70 bài báo ISI/SCOPUS, mỗi bài được thưởng khoảng 30 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2018 số lượng bài báo công bố quốc tế của trường đã vượt qua con số 100…

Nghiên cứu phải là nghĩa vụ 

GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Australia), cho biết: Với nội lực và thực trạng hiện tại, chúng ta đừng mơ sẽ dẫn dắt thế giới như nhiều ĐH tầm cỡ của quốc tế. Các ĐH Việt Nam phải xác định mục tiêu là nâng cao năng suất nghiên cứu khoa học, đào tạo sản sinh ra những tri thức mới, đẩy mạnh chuyển giao nghiên cứu khoa học công nghệ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, các ĐH Việt Nam đã xuất hiện trên các bảng xếp hạng của quốc tế và năng lực nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế của ta đều được các bảng xếp hạng đánh giá là những tiêu chí quan trọng nhất. 

TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: Thành tựu về nghiên cứu khoa học là thước đo chính cho sự phát triển của một quốc gia, đẳng cấp của một ĐH và của nhà khoa học. Trích từ Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS - có đến có 16.257 tạp chí uy tín hàng đầu thế giới từ tất cả chuyên ngành) trong giai đoạn 2014 - 2018, công bố khoa học quốc tế của Việt Nam có bước phát triển đáng kể. Năm 2014 có 3.482 bài, nhưng đến năm 2018 cả nước có 6.187 bài thuộc danh mục ISI. Tuy nhiên, kết quả này cũng chỉ giúp Việt Nam đứng giữa bảng xếp hạng của khu vực Đông Nam Á. Dẫn đầu là Malaysia với hơn 114.000 bài, Singapore hơn 99.000 bài, Thái Lan hơn 63.000, Indonesia hơn 47.000… Công bố khoa học từ Việt Nam tăng nhanh trong 5 năm qua (18%/năm), một sự tăng trưởng rất cao nhưng số lượng vẫn thấp nhất, chỉ cao hơn Philippines.  

PGS-TS Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Một nhà khoa học không phải đợi có thưởng cao hay thấp mới làm nghiên cứu, mà họ xem đó như là nhiệm vụ phải làm, hơn hết đó còn là niềm đam mê. Dù một trường ĐH xác định phát triển theo hướng nào thì giảng viên cũng phải có nghĩa vụ nghiên cứu khoa học. Nếu chỉ lo đào tạo thì chắc chắn trường đó sẽ khó tồn tại lâu dài. Với trường chúng tôi, xác định nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các đề tài với các địa phương áp dụng sản xuất là trọng tâm. Hàng năm, trường dành hơn 10 tỷ đồng để thực hiện các đề tài, các giải pháp sản xuất cho các tỉnh, thành”. 

Một lãnh đạo của ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định: So với khu vực, công bố quốc tế và bằng sáng chế chúng ta quá ít. Các trường ĐH Việt Nam phải mạnh dạn có những cơ chế đột phá để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Cơ chế này phải có sự thay đổi đồng bộ từ chính sách đầu tư, cơ sở vật chất và phải có tầm nhìn. Hiện nay, những trường tự chủ và một số trường ngoài công lập đang có nhiều cơ hội để bứt phá trong phát triển nghiên cứu khoa học.

Tính đến năm 2017, trong các cơ sở giáo dục ĐH có 945 nhóm nghiên cứu. Số lượng các công bố, đặc biệt là công bố quốc tế và ảnh hưởng khoa học thể hiện qua mức độ được trích dẫn tăng mạnh, góp phần cải thiện vị thế của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế. Trước khi có Nghị quyết 29, tổng số công bố quốc tế của cả nước rất khiêm tốn, cả nước chỉ có 2.309 bài báo quốc tế. Sau Nghị quyết 29, tính từ năm 2017 đến tháng 6-2018, chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường ĐH hàng đầu Việt Nam đã đạt đến 10.515 bài, bằng tổng số công bố của cả nước trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015. 

(Thống kê của nhóm khảo sát Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục