Cụ thể, từ 54 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đang thực hiện thu phí hoàn vốn, các đơn vị chỉ đạt doanh thu 11.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu trong quý 1 hơn 3.300 tỷ đồng; quý 2 hơn 3.140 tỷ đồng; quý 3 là hơn 1.700 tỷ đồng và quý 4-2021 là gần 3.000 tỷ đồng.
So với mức thu BOT của năm 2020 là 12.500 tỷ đồng và năm 2019 là 13.500 tỷ đồng, doanh thu của năm 2021 đã giảm tương ứng 1.500 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân giảm doanh thu các dự án BOT là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, số lượng phương tiện lưu thông giảm, nhất là trong thời điểm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa lây lan dịch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BOT không những không được tăng phí theo định kỳ mà còn phải giảm phí cho một số đối tượng theo các quy định hiện hành.
Mới đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT triển khai giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28-1 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế.
Theo đó, các đơn vị áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 8% đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí BOT do Bộ GTVT quản lý.
Về việc đảm bảo việc thu phí công khai, minh bạch, tránh thất thoát, Tổng cục Đường Bộ Việt Nam cho biết đã triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với công tác thu phí, hạch toán và báo cáo của nhà đầu tư, kịp thời phát hiện các tiêu cực và có hình thức xử lý nghiêm các vi phạm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã tăng cường áp dụng công nghệ để tăng cường kiểm soát công tác thu phí của nhà đầu tư, như xây dựng phần mềm giám sát doanh thu độc lập, kết nối với dữ liệu tại các trạm thu phí...