Các tổn thất trong vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris không được bảo hiểm
SGGPO
Do nhà nước Pháp tự bảo hiểm cho các cơ sở tôn giáo thuộc quyền sở hữu nên sẽ chịu trách nhiệm cung cấp ngân sách phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.
>> Video Nhà Thờ Đức Bà Paris trước và sau khi bị hỏa hoạn. Nguồn: The Guardian
Tuyên bố của Liên đoàn Bảo hiểm Pháp cho biết, bản thân nhà nước là "công ty bảo hiểm” đối với các cơ sở tôn giáo thuộc quyền sở hữu. Do đó, Nhà thờ Đức Bà Paris, cũng như 82 thánh đường khác được xây dựng trước năm 1905, đều là tài sản của Nhà nước. Vì vậy, nhà nước sẽ phải lo kinh phí tái thiết và phục dựng Nhà thờ sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng đêm 15-4.
Tuy nhiên, do Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy trong quá trình đang tu sửa, nên tùy theo kết quả điều tra cuối cùng sẽ quyết định các công ty bảo hiểm có phải chịu một phần kinh phí phục dựng hay không.
Theo công tố viên Rémy Heitz, có 5 nhà thầu liên quan đến dự án cải tạo. Do đó, nếu nhà thầu nào bị quy trách nhiệm về vụ cháy thì công ty bảo hiểm của nhà thầu đó sẽ phải trả tiền bồi thường.
Ngọn lửa bao trùm Nhà Thờ Đức Bà Paris hôm 15-4. Ảnh: AP
Hệ thống tự bảo hiểm được áp dụng từ cuối thế kỷ 19 nhằm bảo vệ các di sản nhà nước. Trong đó quy định Nhà nước không mua bảo hiểm hỏa hoạn cho các tài sản công và sẽ tự chịu trách nhiệm về hậu quả.
Sau này, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng cách thức này không phù hợp do số tiền Nhà nước phải bỏ ra tự bảo hiểm không tương xứng với số tiền bồi thường mà nhà nước có thể nhận được nếu mua bảo hiểm của tư nhân nhưng về cơ bản quy định vẫn được giữ nguyên, trừ một số công trình lớn được mua bảo hiểm một phần như tháp Eiffel (bảo hiểm vài trăm triệu euro), hay tòa Thượng viện (bảo hiểm vài chục triệu euro).
Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester khẳng định nhà nước sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng đã công bố kế hoạch hành động của chính phủ, trong đó có cuộc thi mẫu thiết kế dành cho các kiến trúc sư tài ba trên thế giới. Dự kiến, quá trình phục dựng có thể kéo dài nhiều năm.
Theo ước tính của một số công ty bảo hiểm, chi phí phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris có thể lên tới hơn 1 tỷ euro. Ảnh: AP
Trong một diễn biến có liên quan, giới chức Pháp cảnh báo những kẻ lừa đảo đang lợi dụng vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris để lừa lấy tiền của những người hảo tâm quyên góp phục dựng công trình mang tính biểu tượng văn hóa này.
Quỹ Di sản Pháp cho biết đã nhận được thông tin về các vụ lừa đảo ở Pháp cũng như ở nước ngoài, đồng thời nêu rõ quỹ này không đưa ra kêu gọi quyên góp nào qua điện thoại, thư gửi qua bưu điện hay thư điện tử, và tất cả các hình thức kêu gọi quyên góp này là lừa đảo.
Ước tính Quỹ này đã quyên góp được hơn 13 triệu euro (tương đương 14,5 triệu USD) từ các cá nhân đóng góp phục dựng Nhà thờ Đức Bà. Hiện quỹ này đang nhận quyên góp thông qua trang web don.fondation-patrimoine.org, trang Facebook của quỹ, PayPal, một trạm tàu điện ngầm ở Paris và tin nhắn SMS cho những người đang ở Pháp.
Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester ngày 16-4 đã cảnh báo người dân cần thận trọng với các trang web kêu gọi hỗ trợ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn ngày 15-4 vừa qua.
Trước đó, trong bài phát biểu với cả nước được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm.
Theo ước tính của một số công ty bảo hiểm, chi phí phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris có thể lên tới hơn 1 tỷ euro.
Tuy nhiên, tính đến ngày 17-4, Quỹ đóng góp phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp đã lên tới 1 tỷ euro. Trong số những nhà quyên góp có tỷ phú người Pháp Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của tập đoàn LVMH (Moёt Hennessy Louis Vuitton) với khoản tiền đóng góp 200 triệu euro; hãng mỹ phẩm L'Oreal cũng cam kết đóng góp số tiền tương tự; tỷ phú Francois-Henri Pinault đóng góp 100 triệu euro. Tập đoàn năng lượng Total cho biết sẽ đóng góp 100 triệu euro.