Đến nay, 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã liên thông gửi, nhận văn bản điện tử cả 4 cấp hành chính trên trục liên thông văn bản quốc gia. Còn Lâm Đồng, Đắk Nông đã liên thông các đơn vị nội tỉnh nhưng chưa đăng ký mã định danh cấp huyện, cấp xã trên trục. Ngoài ra, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước (Lâm Đồng tăng 5 lần, Đắk Lắk tăng 2,5 lần, Kon Tum và Gia Lai tăng 2 lần, riêng Đắk Nông có số lượng văn bản điện tử gửi, nhận còn thấp).
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh Tây Nguyên nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đại diện tỉnh Gia Lai kiến nghị đẩy nhanh triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia; tích hợp, chia sẻ các dữ liệu để địa phương khai thác, sử dụng phục vụ xây dựng chính quyền điện tử. Đại diện tỉnh Kon Tum kiến nghị ưu tiên, hỗ trợ các tỉnh còn nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí, các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin nhằm tạo tiền đề phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng gắn với công nghệ thông tin; số lượng dịch vụ công triển khai không quan trọng bằng chất lượng thực hiện; chú trọng làm trước các dịch vụ dễ, dịch vụ có nhiều hồ sơ. Văn phòng Chính phủ ủng hộ mô hình thuê dịch vụ trọn gói để giảm bớt nhân lực trong bộ máy hành chính. Đến hết ngày 30-11-2020, các địa phương ở Tây Nguyên phải hoàn thành thực hiện chữ ký số cá nhân của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến các cơ quan cuối cấp (xã, phường, thị trấn), thực hiện kết nối trục liên thông quốc gia. Các tỉnh rà soát lại danh mục dịch vụ công đã thực hiện và báo cáo trước ngày 31-12-2020, đồng thời triển khai đạt được 30% dịch vụ công trực tuyến trên tổng số dịch vụ công đang thực hiện.