Theo đó, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành bàn giao cơ sở nhà, đất 2 khu (gồm khu A và B) thuộc Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng cho Trường Đại học Cần Thơ sử dụng để thành lập phân hiệu. Hai khu nhà này có tổng diện tích khoảng 2ha, tọa lạc tại đường Lê Hồng Phong, phường 3, TP Sóc Trăng. Tổng giá trị tài sản bàn giao theo sổ sách kế toán, khoảng 121,5 tỷ đồng (trong đó gồm: khoảng 2ha đất và một số nhà học, nhà hành chính, công trình phụ trợ khác). Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định số 1268/QĐ-BGDĐT (ngày 26-4-2024) về việc phê duyệt chủ trương thành lập phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng. Do đó, việc tổ chức tạm bàn giao cơ sở vật chất tại khu A và B cho Trường Đại học Cần Thơ, góp phần tạo điều kiện cho trường chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sớm đưa phân hiệu tại tỉnh Sóc Trăng đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, khó khăn lớn nhất của tỉnh trong thời gian qua là chưa có cơ sở đào tạo trình độ đại học; cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao (sau đại học) ở nhiều ngành còn rất ít. Ngoài ra, nhu cầu học đại học sau khi tốt nghiệp THPT của học sinh và học sau đại học của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức là rất lớn.
Cụ thể, năm học 2023-2024, toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 10.000 học sinh THPT; năm học 2024-2025 tỉnh có 10.400 học sinh đang học lớp 12; cùng với đó các địa phương lân cận như Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, người dân cũng có nhu cầu tiếp cận giáo dục đại học. Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh Sóc Trăng xác định yêu cầu cấp bách hiện nay là cần phải có cơ sở giáo dục đại học và sau đại học trên địa bàn tỉnh. Sau nhiều lần khảo sát, tỉnh Sóc Trăng và Trường Đại học Cần Thơ đã quyết định chọn khu A và B của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng là nơi đặt phân hiệu, đánh dấu giai đoạn chuyển mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh.
PGS-TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Giai đoạn đầu, phân hiệu sẽ tổ chức đào tạo các lớp ngắn và trung hạn ở các lĩnh vực mà tỉnh Sóc Trăng đang cần. Đến năm 2025, phân hiệu dự kiến sẽ đào tạo trình độ đại học chính quy với 3 ngành: Kế toán, Luật, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, sẽ đào tạo thạc sĩ, với các ngành: Công nghệ thông tin, Hệ thống nông nghiệp - chuyên ngành biến đổi khí hậu và nông nghiệp nhiệt đới bền vững, Khoa học cây trồng - chuyên ngành kỹ thuật nông nghiệp thông minh”…
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, cùng với kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư đồng bộ, tỉnh cũng đang quan tâm thực hiện công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư. Tiêu biểu, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề, khu logistics cùng nhiều khu, cụm công nghiệp… Do đó, việc thành lập phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng sẽ góp phần giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và các địa phương lân cận trong thời gian tới. Đặc biệt, việc thành lập phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng còn đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của người dân, giải quyết nhu cầu học tập tại chỗ, rút ngắn khoảng cách đi lại, giảm chi phí. Qua đó, góp phần giúp người dân, đặc biệt là các em học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng, cũng như các địa phương phía Nam vùng ĐBSCL có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận giáo dục đại học.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, bên cạnh việc xúc tiến các thủ tục còn lại để sớm đưa phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ đi vào hoạt động, tỉnh cũng đang rà soát quỹ đất để chuẩn bị xây dựng khu ký túc xá cho sinh viên. Việc thành lập khu ký túc xá nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở của sinh viên, giúp các em yên tâm học tập, góp phần giảm chi phí cho gia đình trong điều kiện người dân tỉnh nhà và khu vực lân cận còn nhiều khó khăn.