Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Từ đêm 30-11 đến sáng 1-12, mưa đã ngớt tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, nhưng do lưu lượng xả của các hồ thủy điện, thủy lợi rất lớn, khiến lũ vùng hạ du sông Kôn (Bình Định), sông Ba (Phú Yên) vẫn ở mức cao, nên hàng chục ngàn hộ dân vẫn chìm trong “biển nước”. “Lũ rút đến đâu khắc phục đến đó”, trong ngày 1-12, người dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, thu nhặt tài sản còn sót lại và tìm kiếm những người mất tích. 
Lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự Phú Yên ứng cứu kịp thời người phụ nữ chăn nuôi bò bị mắc kẹt giữa sông Đà. Ảnh: XUÂN HUYÊN
Lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự Phú Yên ứng cứu kịp thời người phụ nữ chăn nuôi bò bị mắc kẹt giữa sông Đà. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Trong ngày 1-12, ca nô của lực lượng chức năng huyện Tuy Phước (Bình Định) đã vào sâu các xã Phước Thuận, Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) để tiếp tế nước uống, mì ăn liền, rau, quần áo cho người dân. Nhiều nhà từ thiện ở TP Quy Nhơn cũng nấu hàng trăm suất cơm để tiếp tế cho người dân vùng lũ Tuy Phước. Bà Đỗ Thị Xuân (thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa), kể: “Đêm 30-11, nước lũ tràn vào nhà như thác đổ, chỉ kịp chạy sang nhà hàng xóm cao hơn để tá túc. Lúa gạo, đồ đạc, giường chõng, chăn mền, quần áo, sách vở của các cháu… thì chìm trong nước, hư hại hết”. 

Lũ rút, nhiều người được ca nô của lực lượng chức năng đưa về nhà sau 2 hôm “chạy lụt”, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Chủ tịch UBND xã Cát Hải (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) Lê Văn Diêu cho biết, lũ làm nhiều tường rào, nhà cửa, công trình, cây cối đổ, gãy; cuốn trôi nhiều trâu bò, gà vịt, lúa gạo… “Hiện chúng tôi đang hỗ trợ người dân khắc phục tạm thời một số thiệt hại ban đầu. Trước mắt, mỗi nhà dân bị sập, địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng”, ông Lê Văn Diêu nói.

Lũ chưa rút hết nhưng trưa và chiều 1-12, các hồ thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông Hnăng (thuộc tỉnh Phú Yên) tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn. Toàn tỉnh Phú Yên còn hàng chục ngàn nhà dân bị ngập lụt, nặng nhất là các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, TP Tuy Hòa. Tranh thủ một số khu vực lũ rút dần, chính quyền Phú Yên huy động lực lượng hỗ trợ đưa người dân sơ tán về nhà để khắc phục hậu quả.

Tại Khánh Hòa, mưa lớn kéo dài, kết hợp thủy điện xả lũ mấy ngày qua khiến nước ồ ạt đổ về gây ngập các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) và các địa phương khác thuộc huyện Diên Khánh. Nước lũ tràn vào khu dân cư, nhà dân, có nơi ngập hơn 2m, khiến hơn 35.000 người bị ảnh hưởng, 800ha lúa ngập úng. Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, đất đá tràn ra đường gây ách tắc giao thông.

Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 1 Lực lượng xung kích huyện Tuy Phước (Bình Định) tiếp nước uống, mì tôm cho người dân vùng rốn lũ. Ảnh: NGỌC OAI
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ngày 1-12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó. Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, miền Trung có hệ thống liên hồ chứa vận hành phức tạp, khi mưa lũ dồn dập thì nước từ hồ trên xả xuống hồ dưới. Khi tỉnh Phú Yên thông báo cần hỗ trợ, qua rà soát, các hồ chứa ở thượng nguồn đã đầy nước và sử dụng hết dung tích phòng lũ. Với tình hình hiện nay, nhu cầu xả lũ của các hồ chứa sẽ còn tiếp diễn. Do đó, các hồ chứa ở tỉnh Phú Yên phải vận hành xả lũ linh hoạt, phù hợp tình hình thủy triều để giảm thiệt hại. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở nơi sơ tán tập trung. Bộ trưởng cũng đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Công thương rà soát lại hoạt động vận hành hồ chứa thủy điện để rút kinh nghiệm.

12 người chết và mất tích


Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cập nhật đến 17 giờ chiều 1-12, mưa lũ ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã làm 12 người chết và mất tích (Bình Định 3 người, Phú Yên 6 người, Kon Tum 1 người, Đắk Lắk 2 người). Tại Gia Lai và Phú Yên, 5 thủy điện An Khê, Kanak, Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krong H’năng vẫn tiếp tục xả lũ để đảm bảo an toàn công trình; trong đó, thủy điện Sông Ba Hạ vẫn phải xả ở mức cao với 4.280 m3/giây vào hồi 16 giờ chiều 1-12. Ở Phú Yên, nước lũ rút dần, còn 12.450 căn nhà ngập 0,5-1m và 5.330 căn nhà ngập nhẹ tại Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân. Tại Bình Định còn 12.695 căn nhà bị ngập tại TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn. 

Tin cùng chuyên mục