Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc từ 12 giờ ngày 27-9 đến hết ngày 28-9. Trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai và các lực lượng khác do thủ trưởng đơn vị quyết định.
Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, các nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động… được nghỉ làm từ 12 giờ ngày 27-9 đến hết ngày 28-9. Điều này nhằm đảm bảo phòng, chống bảo và bảo vệ tài sản của gia đình.
“Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18 giờ ngày 27-9 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh”, công văn nêu rõ.
Cùng ngày, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Sở GD-ĐT thông báo cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học ngày 28-9 để phòng tránh bão số 4. Sau ngày 28-9, tùy tình hình thực tế, các địa phương chủ động quyết định việc tiếp tục nghỉ học hoặc đi học trở lại. Đối với cấp THPT do Sở GD-ĐT quyết định phù hợp.
Còn theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, đến nay, tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển là 77 tàu/2.398 lao động, tất cả các tàu trên được thông báo về bão số 4.
Cụ thể, số tàu ở khu vực vùng biển Hoàng Sa là 19 tàu/213 lao động. Trong đó, có 9 tàu/ 100 lao động đang di chuyển xuống phía Nam nhưng tốc độ di chuyển rất chậm. Bộ đội Biên phòng phối hợp với gia đình và địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại vẫn giữ liên lạc được với 9 tàu, người và tàu đều an toàn. Khu vực vùng biển Trường Sa: 58 tàu/2.185 lao động.
* Ngày 27-9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ ngày 27-9 đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân dự TP Đà Nẵng.
Theo đó, tuyệt đối không để người ở lại trên các trên tàu cá, lán trại tạm, công trình đang xây dựng từ 14 giờ ngày 27-9 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Bên cạnh đó, tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 14 giờ ngày 27-9.
Bắt đầu từ 6 giờ sáng 27-9, cơ quan chức năng tiến hành thực hiện lệnh cấm lưu thông trên đường 71 tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho đến khi có thông báo mới nhằm đảm bảo an toàn, tránh các thiệt hại về người và tài sản do bão số 4 gây ra.
* Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có và thực hiện ngay phương án “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân nếu không có việc cấp thiết thì tuyệt đối không ra khỏi nhà cũng như không được rời khỏi nơi trú tránh bão để quay về nhà kể từ 20 giờ ngày 27-9 đến khi có thông báo mới nhằm đảm bảo an toàn về người.
Các địa phương khẩn trương tiếp tục tổ chức sơ tán, di dời dân những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, trũng thấp, đặc biệt là nhân dân ở các khu vực sát bờ biển, trên các lồng bè thủy sản, tàu thuyền đến nơi tránh trú bão an toàn (dự báo sóng biển ven bờ có thể cao từ 6-8m); kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không đảm bảo an toàn. Đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết.
Sở Công thương Quảng Ngãi theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hóa, chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, nhà phân phối có biện pháp tăng cường dự trữ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường, phòng ngừa việc thiếu hụt, khan hàng trên địa bàn tỉnh, chống các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường.