Ngày 2-11, tại khu dân cư An Lạc, thôn An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), PV Báo SGGP ghi nhận nước lũ vẫn trắng đồng. Người dân dọn bùn đất trong nhà nhưng vẫn tranh thủ kê đồ lên cao vì dự báo những ngày tới có mưa lớn kéo dài, lũ có thể lên trở lại.
Ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết, địa phương có hơn 1.200 hộ dân, lũ đã rút khỏi các khu dân cư nhưng tinh thần vẫn sẵn sàng ứng phó với mưa to lũ lớn trong những ngày tới. Hiện người dân chưa hạ đồ đạc xuống mà giữ nguyên hiện trạng, thậm chí còn kê cao hơn để đề phòng lũ.
Chiều 2-11, PV Báo SGGP về rốn lũ thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy), nước lũ vẫn còn ngập đầu gối trên đoạn đường về thôn, di chuyển khá khó khăn. Học sinh ở đây chưa thể đi học. Những ngày tới dự báo mưa lớn, 194 hộ trong thôn vẫn đang kê cao đồ đạc, chưa ai đưa xuống bất cứ thứ gì. Đợt lũ vừa qua may mắn có nhà chống lũ nên gần 100 người sống ở vùng trũng sâu, trẻ em, người già, người tàn tật có nơi trú tránh. Thôn Vinh Quang có 40 chiếc xuồng để giúp nhau di dời dân trong lũ. Ông Nguyễn Văn Hưng (53 tuổi, thôn Vinh Quang) đang làm làm cái bè nổi để chuẩn bị di dời 12 con heo lên chạy lũ, cho biết: “Đợt lũ vừa rồi lên nhanh quá không kịp làm bè. Phải đưa chúng lên nhà tránh lũ, ảnh hưởng người dân. Nay tôi tranh thủ đi mua thùng nhựa loại lớn, hàn sắt lại làm bè, lũ lên thì cho heo lên đây chạy lũ. Chúng là tài sản để cuối năm bán lo tết cho gia đình”, ông Hưng chia sẻ.
Đi khắp vùng rốn lũ hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, hàng chục ngàn hộ gia đình vẫn kê cao đồ đạc. UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã dự trữ hơn 300 tấn gạo, mì tôm cùng các nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.
Tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, học sinh các vùng lũ đã đi học trở lại. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công văn yêu cầu ngành giáo dục triển khai phương án ứng phó mưa lũ kéo dài từ ngày 3 đến 9-11. Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, đây là đợt mưa dự báo rất phức tạp, kéo dài nhiều ngày. Trước mắt, các huyện, thị và TP Huế đã có phương án sẵn sàng di dời 16 ngàn hộ dân vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi trú ẩn an toàn.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã dự trữ khoảng 200 tấn gạo, mì tôm cùng nhiều nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ người dân vùng sạt lở, ngập lụt chia cắt kéo dài.