Tính đến 7 giờ sáng ngày 29-8, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là 654 với 6.369 lao động. Cụ thể, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa là 79 tàu với 563 lao động; vùng biển quần đảo Trường Sa là 293 tàu với 3.828 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc là 34 tàu với 309 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam 68 tàu với 597 lao động và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi là 180 tàu với 1.072 lao động.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp phòng, tránh bão số 4 (bão Podul). Sở NN-PTNT hướng dẫn các địa phương tổ chức các biện pháp ứng phó bão số 4, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố ven biển, đảo và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.
Đồng thời, tổ chức theo dõi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tỉnh Quảng Trị hiện có tổng số tàu thuyền là 2.312 chiếc với 7.163 thuyền viên, trong đó có 145 tàu trên 90CV đánh bắt xa bờ. Hiện có hơn 2.292 tàu thuyền với hơn 7.017 thuyền viên đã nhận được thông tin, hướng di chuyển của bão Podul và vẫn còn 9 tàu thuyền với 102 thuyền viên chưa liên lạc được.
Hiện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và gia đình tìm cách liên lạc, thông tin về bão số 4 và kêu gọi số tàu trên vào bờ để tránh trú bão.
Sáng 29-8, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BDBP) tỉnh này đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn, liên lạc đài trực canh để thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão số 4, gió mạnh để chủ động phòng tránh. Đồng thời, bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn; hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền vào âu, khu neo đậu an toàn.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế đến 6g sáng nay, đã có 2.019 phương tiện/10.995 lao động vào tránh trú bão an toàn. Số tàu thuyền còn lại của địa phương này hoạt động trên biển 52 phương tiện/434 lao động hoạt động đánh bắt xa bờ vùng biển Cồn Cỏ - Đà Nẵng, số phương tiện này đã nắm được thông tin hướng di chuyển của bão và đang di chuyển vào bờ.
Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thu hoạch được 22.200ha, diện tích chưa thu hoạch 1.100 tập trung tại Nam Đông và A Lưới dự kiến thu hoạch sau 5-9. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương và chủ đập kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và phòng chống lụt bão các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh và các công trình thủy điện đang thi công; tiến hành vận hành mở thử các cửa van tràn đảm bảo vận hành tốt khi có yêu cầu.
Ngày 29-8, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ký công điện khẩn số 1742-CĐ/TU. Trong công điện nêu rõ: Yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 4 với phương châm “4 tại chỗ”...
Với phương phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, trong sáng 29-8, người dân các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nhanh chóng ra đồng thu hoạch lúa hè thu “chạy bão”.