Quảng Ngãi: Tăng cường phòng chống bão số 5 tại vùng ven biển
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), cho biết: “Xã Bình Hải có hơn 250 tàu thuyền, đa số tàu thuyền đã đến bến neo đậu an toàn, còn lại 60 chiếc trên 20CV cũng được đưa vào khu vực neo đậu tại các thôn. Xã đã huy động lực lượng giúp ngư dân đưa tàu, thúng vào bờ”.
Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, yêu cầu địa phương phải kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền đã đảm bảo an toàn để không có thiệt hại về người và tàu.
“Các tàu, thúng chưa neo đậu an toàn hoặc chưa vào bến neo đậu cần thiết phải cưỡng chế neo đậu, một số khu vực xung yếu cần thiết phải di dời người dân đến nơi an toàn. Đến 17 giờ chiều nay, nhà dân, tàu thuyền, cơ quan trụ sở, trạm y tế… đều phải đảm bảo an toàn” - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn yêu cầu.
Các địa phương trên địa bàn huyện Bình Sơn thực hiện phương án “4 tại chỗ”, trong đó lực lượng tại chỗ, vật chất tại chỗ phải sẵn sàng công tác vừa chống bão vừa chống dịch, di dời dân đảm bảo giãn cách, các khu vực phong tỏa khi cần di dời dân thì thực hiện như quy định phòng chống dịch tại các điểm cách ly.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, hiện nay 200 ngư dân Bình Định đang neo đậu tại cảng Dung Quất và cảng Sa Cần sẽ được đưa đi tránh trú bão như đi cách ly từ vùng dịch về, đảm bảo nhu yếu phẩm cung cấp ngư dân. Tinh thần là vừa chống bão vừa chống dịch.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cũng đã đến kiểm tra khu cách ly tập trung Thiên Tân, ông yêu cầu lực lượng cần gia cố mái nhà và tỉa cây cối tại khu cách ly để hạn chế gió lớn tốc mái, cây cối ngã đổ và kiểm tra một số địa phương ven biển huyện Bình Sơn.
Cùng ngày, ông Phạm Quang Sự, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 tại xã Bình Châu, đây là địa phương nằm sát biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mạnh, ông yêu cầu địa phương rà soát công tác chằng chống nhà cửa, di dời dân, tàu thuyền.
Ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết: “Các phương tiện tàu thuyền chưa vào bến sẽ tiến hành cưỡng chế. Một số khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bão, các khu vực sát biển thì xã đã lên kế hoạch tiến hành di dời. Các lực lượng công an, dân quân…. đã phân chia các thôn Châu Thuận Biển, Định Tân… để giúp người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền”.
Người dân Lý Sơn và Bình Sơn (Quảng Ngãi) không ra khỏi nhà từ 12 giờ ngày 11-9 để đảm bảo an toàn |
Thừa Thiên - Huế: Thủy điện Rào Trăng 3 cần tiến hành rà soát các điểm nguy cơ sạt lở để sớm di dời công nhân
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu thủy điện Rào Trăng 3 và thủy điện Rào Trăng 4 thuộc địa bàn huyện Phong Điền cần tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để có phương án di dời công nhân từ sớm cũng như dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc... tại chỗ để đảm bảo vận hành khi có tình huống chia cắt.
Ngay từ sáng 11-9, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã gấp rút triển khai các phương án phòng chống bão. Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế huy động 100% cán bộ chiến sĩ tham gia ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng trước các tình huống đột xuất, bất ngờ.
Tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang nằm giáp biển có hơn 40 hộ cần được di dời đến vùng an toàn. Ngay từ đêm 10-9, Công an xã Phú Thuận cùng với lực lượng xung kích địa phương đến từng hộ tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tự nguyện di dời. Công tác di dời các bà con, tài sản khỏi vùng nguy hiểm đã được triển khai ngay trong sáng nay 11-9.
Ngoài ra, mỗi khu vực dân cư tổ chức lực lượng xung kích để tham gia hỗ trợ người dân chằng chống, bảo vệ nhà cửa; chú ý quan tâm đến các nhà có người là F0, F1 đang phải đi điều trị hoặc cách ly tập trung.
Trung tá Trần Văn Hoàng, Trưởng Công an xã Phú Hải cho biết, tại những địa phương khác cũng đang gấp rút triển khai phương án di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, có phương án bảo vệ các công trình trọng điểm. Tại một số địa phương đang thực hiện nguyên tắc Chỉ thị 16 thì thực hiện “4 tại chỗ”, một số trường hợp buộc di dời thì đảm bảo nguyên tắc 5K của ngành y tế.
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đi kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa bàn huyện Phú Lộc.
Tại những nơi đến, ông Bình yêu cầu chính quyền các địa phương cần đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân trong con bão số 5; hỗ trợ người dân gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, khẩn trương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào, lưu ý công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly (hoàn thành trước 17 giờ ngày 11-9); chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân tại các vùng đang phong toả...
Cùng với đó, UBND huyện Phú Lộc làm việc với Sở Công Thương để có phương án thu mua hải sản nuôi trồng cho bà con, nhằm vừa đảm bảo 2 mục tiêu phòng chống dịch và phòng chống bão lụt.
Sáng 11-9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và sơ tán dân an toàn ứng phó bão số 5, đặc biệt là các địa phương đang áp dụng giãn cách, cách ly theo chỉ thị 15, chỉ thị 16. Các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng phương án ứng phó thiên tai với các tình huống dịch bệnh; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu.
Sở Công thương có phương án dự trữ lương thực thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Thông báo đến các chủ đầu tư các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải có phương án đảm bảo an toàn hộ đập. Đặc biệt, Thủy điện Rào Trăng 3 và Thủy điện Rào Trăng 4 tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để có phương án di dời công nhân từ sớm cũng như dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc... tại chỗ để đảm bảo vận hành khi có tình huống chia cắt.
Đà Nẵng: Phân luồng riêng cho tàu cá để test nhanh Covid-19 cho ngư dân
Theo báo cáo của đại diện BQL âu thuyền cảng cá Thọ Quang, hiện khu vực có trên 700 tàu với gần 1.000 ngư dân đang neo đậu để tránh bão số 5. Các tàu mới vào neo đậu đều được sắp xếp theo khu vực riêng ở phía bờ Đông và quản lý chặt chẽ số lượng thuyền viên của mỗi tàu.
“Nếu tình hình mưa bão lớn và buộc phải di chuyển thuyền viên lên bờ, BQL sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng các đơn vị liên quan bảo đảm thực hiện test nhanh Covid-19 trước khi đưa ngư dân vào bờ”, đại diện BQL âu thuyền cảng cá Thọ Quang thông tin. |
Kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, khi mở cửa âu thuyền cảng cá Thọ Quang đón các phương tiện vào tránh bão cần chuẩn bị các phương án thật kỹ lưỡng. Các tàu mới vào thì phải được bố trí ở luồng riêng và thực hiện test nhanh cho ngư dân. Trước mắt, tiếp tục giao cho họ quản lý tàu.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND quận Sơn Trà sẵn sàng địa điểm bố trí cách ly tập trung nếu phải di chuyển ngư dân vào bờ trú bão; Các đơn vị bảo đảm nhu yếu phẩm hỗ trợ ngư dân yên tâm trú bão.
“Cố gắng trước khi di chuyển phải bảo đảm tất cả ngư dân được test nhanh, hy vọng có kết quả âm tính. Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào âu thuyền cũng như trước khi có phương án đưa ngư dân lên bờ”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nói.
Hiện nhiều tàu đã neo đậu ở đây dài ngày, ông yêu cầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra, neo đậu và chèn buộc cho bảo đảm, tránh để xảy ra việc chìm tàu hay cháy nổ trong thời gian tránh, trú bão.
Tiếp đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão tại Cảng Tiên Sa và yêu cầu đơn vị chủ động bảo đảm tuyệt đối an toàn cho tàu, hàng hóa trong khu vực.
Sau khi có thông tin về cơn bão số 5, từ 6 giờ ngày 11-9, đơn vị đã tạm thời đóng cửa không cho người và phương tiện ra, vào cảng. Hàng hóa, container trên các kho bãi đều được sắp xếp theo từng khối và neo đậu cẩn thận, các cần cẩu cũng được hạ độ cao và neo cố định để bảo đảm an toàn.
Cùng ngày, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có công điện gửi các đơn vị yêu cầu tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, bão và chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “04 tại chỗ”, tổ chức chốt chặn tại các địa điểm xung yếu.
Theo đó, các địa phương tổ chức đánh giá khu vực nguy hiểm, kịp thời phát hiện bất thường, kiên quyết sơ tán ngay người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; Bố trí lực lượng, chú ý khu vực có nguy cơ cao như khu vực trũng thấp ven sông Cu Đê, Túy Loan, sạt lở đồi núi tại các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên, các tuyến đường ĐT 601, ADB5 Bắc Thủy Tú – Phò Nam, QL 14G, đường lên, khu vực quanh bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà – Núi Chúa,... và các hồ đập trên địa bàn.
Trong đó, đánh giá khả năng chống chịu với thiên tai của các nhà sơ tán tập trung, sơ tán tại chỗ, xen ghép và các khu bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, phong toả,... đảm bảo an toàn các điểm sơ tán, trú tránh; gia cố an toàn các trụ điện, kịp thời cắt điện ở những vùng bị ngập sâu, đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm chống ngập.
Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu lưu động nạn nhân, hướng dẫn các địa phương đảm bảo phòng, chống dịch tại các điểm sơ tán và xử lý những trường hợp nghi ngờ với SARS-CoV-2.
BQL Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp thông báo cho các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, kho tàng, nhà xưởng trọng yếu, công trình và tính mạng công nhân khi thiên tai xảy ra.
Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng tiếp tục thông báo kịp thời cho các phương tiện đang hoạt động trên biển diễn biến, vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, tìm nơi trú ẩn.
Sở Xây dựng chỉ đạo neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn, cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao đảm bảo an toàn, hoàn thành trước 12 giờ ngày 11-9.
Quảng Trị yêu cầu người dân không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn
Để chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 5 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thành công tác sơ tán dân tránh bão trước 20 giờ ngày 11-9. Tuyệt đối không để người dân ra khỏi nhà từ 22 giờ ngày 11-9 nhằm đảm bảo an toàn về người (trừ các lực lượng tham gia công tác phòng chống bão, lũ và các công việc cấp bách khác).
Ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết: “Theo dự báo, tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, trên địa bàn có mưa to đến rất to, các địa phương trên địa bàn chủ động theo dõi tình hình để di dời những hộ dân ở nhà tạm, nhà không kiên cố đến các nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trụ sở UBND, trạm y tế, đồn biên phòng để nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản, tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng”.