Trưa 8-11, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, cơn bão số 6 dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền trong vài ngày tới, dự báo Bình Định sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão. Trước mắt, để ứng phó với bão, địa phương đã lên “kịch bản” di dời trên 1.000 hộ dân ven biển đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, cơn bão số 5 đã làm sập 143 nhà dân, 1.164 ngôi nnhà cùng hàng trăm công trình bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 350 tỷ đồng.
Trong ngày 8-11, ông Trần Châu cũng đã tố chức họp khẩn để lên phương án hỗ trợ người dân, ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 6 – được xem cơn bão “hồi sinh”, có khả năng sẽ mạnh gấp đôi cơn bão số 5.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, 4 giờ chiều 9-11, Bình Định sẽ ra lệnh cấm biển để bảo vệ tính mạng, tài sản cho ngư dân. Ngoài ra, kêu gọi các tàu thuyền, lồng bè thủy sản cần phải chèn chống, sớm thu hoạch, tận thu, di chuyển đến nơi tránh trú an toàn trong ngày 8-11.
Cùng ngày, chính quyền địa phương và người dân xã Nhơn Hải đang nỗ lực khắc phục tạm thời tuyến kè biển ở thôn Hải Nam bị sóng biển trong cơn bão số 5 đánh sập. Các hộ dân ở khu vực nguy hiểm ven biển thuộc thôn Hải Nam và toàn xã Nhơn Hải cũng sẽ được di dời trong tình huống khẩn cấp.
Tại tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, cơn bão số 6 được dự bão có sức gió rất mạnh, đường đi phức tạp, có khả năng đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ rất cao. Hiện, Phú Yên đang "căng mình" chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với bão số 6.
Trong ngày 8-11, người dân vùng nuôi tôm đầm Cù Mông – nơi xảy ra thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 5 (trên 40 tỷ đồng) cũng đang nỗ lực chèn chống, “vá” lại hồ tôm để ứng phó với cơn bão mới “hồi sinh”. Nhiều hộ nuôi cá mú đen đang nỗ lực vét hồ, tận thu cá để giảm bớt thiệt hại.
Trong khi đó, tỉnh Phú Yên kiên quyết sẽ tiến hành cưỡng chế sơ tán, bắt buộc di dời đối với các hộ dân tại khư vực xung yếu, nguy hiểm, đặc biệt với các hộ đang nuôi trồng thủy, hải sản ở hạ du các sông lớn, đầm vịnh Sông Cầu.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết, toàn tỉnh này có gần 300 tàu cá (trên 1.700 lao động) đang khai thác trên biển. Hiện, có 242 tàu (trên 1500 lao động) đang di chuyển để tránh trú ở vùng biển quần đảo Trường Sa, DK1.
Còn theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bình Định, chiều 7-11, vẫn còn 7 tàu cá/51 ngư dân Bình Định hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 6.
Hiện, các đơn vị chức năng đang liên hệ với gia đình các thuyền viên và chủ tàu kịp thời thông báo, hướng dẫn các thuyền viên trên biển khẩn cấp di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ra văn bản hỏa tốc tập trung, chủ động ứng phó các tình huống thiên tai, mưa, lũ, gió lốc do bão số 6 gây ra trên địa bàn tỉnh. Triển khai theo phương án Ứng phó thiên tai phương châm “4 tại chỗ”, lưu ý các biện pháp ứng phó với các tình huống gió giật mạnh, lốc xoáy, lũ lớn, đặc biệt lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng ven biển, ven sông, suối, vùng thấp trũng và khu vực miền núi. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Chủ động dự trữ, vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết tại từng xã, phường, thị trấn trước mưa lũ, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, cô lập, đảm bảo số lượng để sử dụng tối thiểu trong thời gian ít nhất 7 ngày, riêng huyện Lý Sơn phải đảm bảo ít nhất 15 ngày. Thông báo cấm tàu thuyền ra khơi khi gió lớn theo quy định.
Sở GD-ĐT thông báo, hướng dẫn ngành giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học vào ngày 11-11 để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên.
Tại huyện Lý Sơn, người dân chuẩn bị lương thực dự trữ từ nhiều ngày khi có thông báo bão số 6 trên biển, trong trường hợp biển động, tàu thuyền không xuất bến, Lý Sơn bị cô lập với đất liền, đảo Bé cô lập với đảo Lớn.
Từ hôm qua (7-11), những chuyến tàu cuối ra đảo Lý Sơn kịp vận chuyển hàng hóa, lương thực phục vụ tiêu dùng trên đảo vẫn tấp nập. Đến sáng 8-11, tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại không xuất bến. Người dân trên đảo vận chuyển lương thực bằng nhiều cách, kể cả các tàu cá, tàu gỗ đều tận dụng để đưa lương thực đi đảo Bé.
Ông Đặng Nhơn, xã An Bình (đảo Bé), cho biết: “Nghe báo tin bão, nhà tôi đã dự trữ sẵn thêm 50kg gạo, 2 thùng mì tôm, cá hộp… để ăn. Mỗi đợt mưa bão, nhà tôi phải chuẩn bị đủ lương thực từ 3-7 ngày, vì tàu thuyền không qua được đảo Lớn".
Ông Lê To, chủ tàu thôn Đông, xã An Hải, cho biết: “Tàu thuyền đã neo đậu an toàn, các anh em thay nhau gác đề phòng bão lũ ảnh hưởng đến tàu cá. Nhà tôi dự trữ gần 100kg gạo, cá tươi bỏ ngăn đông, mì tôm lúc nào cũng 5-7 thùng trong nhà”.
Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn cũng thu cất toàn bộ 200 quả phao phân vùng trên biển, neo đậu và canh giữ tàu tuần tra an toàn, phân công cán bộ trực ban tại Ban Quản lý mỗi ngày đêm.
Đoàn xã An Vĩnh, cho biết, xã An Vĩnh đã thành lập đội thanh niên xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời, huy động lực lượng chốt trực, đảm bảo an toàn di dời người và tài sản khi xảy ra sự cố, cứu nạn cứu hộ.
Trong sáng 8-11, tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại đã dừng hoạt động.
Theo Văn phòng BCH PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, hiện còn 415 tàu/4.769 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Theo đó, quần đảo Hoàng Sa có 85 tàu/587 lao động; quần đảo Trường Sa có 121 tàu/2.579 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc có 109 tàu/751 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam có 40 tàu/347 lao động và vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi có 60 tàu/505 lao động. Tại quần đảo Trường Sa, các tàu neo đậu các đảo Song Tử, Ba Kè, Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Cà Ná, Phú Quý, Núi Thị, Tóc Tan, Xu Bi… Có 6 tàu/260 lao động đang neo đậu ở vùng biển Philippines, có 12/170 lao động đang neo dù tại phía Tây Trường Sa. Hiện chưa liên lạc được với 3 tàu/33 lao động. |