Tại tỉnh Bình Dương, mỗi ngày có khoảng 500 con heo từ tỉnh Đồng Nai vào địa bàn tỉnh tiêu thụ nên nguy cơ lây lan rất cao. Hiện tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời (ngoài Trạm kiểm dịch động vật Vĩnh Phú, thị xã Thuận An) là chốt Cầu Tham Rớt (huyện Bàu Bàng) và Cầu Thủ Biên (huyện Bắc Tân Uyên) trực kiểm dịch 24/24 giờ, kể cả trong thời điểm cuối tuần, ngày lễ để kiểm tra tất cả số lượng heo đi qua khu vực.
Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh đã yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ heo và các sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn. Riêng các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ là những địa phương giáp ranh với tỉnh Đồng Nai sẽ thành lập và đưa vào hoạt động các chốt kiểm dịch nhằm tổ chức kiểm soát chặt chẽ đối với heo và sản phẩm của heo vào địa bàn.
* Cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế đã công bố hết dịch tả heo châu Phi tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền - địa phương duy nhất tại Thừa Thiên - Huế xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi vào ngày 16 và 22-3-2019 (Báo SGGP đã thông tin). Sau khi công bố hết dịch, các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển tiêu thụ, chế biến trên địa bàn các xã bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi được hoạt động bình thường trở lại.