Các tỉnh ĐBSCL đón trẻ mầm non, tiểu học trở lại trường

Ngày 14-2, hơn 47.000 học sinh khối lớp 5, 6, 10 và 11 ở tỉnh Vĩnh Long tiếp tục trở lại trường đợt 2 để học trực tiếp. Như vậy đến nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 70.000 học sinh đã trở lại trường sau nhiều tháng liền các em phải học online.
Học sinh khối 5 trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Vĩnh Long) trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: QUỐC AN
Học sinh khối 5 trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Vĩnh Long) trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: QUỐC AN

Có mặt kiểm tra việc dạy học, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại trường Tiểu học Nguyễn Du (phường 1, TP Vĩnh Long) vào sáng 14-2, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao công tác chuẩn bị của nhà trường.

Trước khi vào lớp học, các em đều đeo khẩu trang, sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt. Ghi nhận ngày đầu trở lại trường, các em được gặp lại bạn bè, thầy cô nên tất cả học sinh đều phấn khởi với tâm thế sẵn sàng.

Bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, một tuần trước khi cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, Sở GD-ĐT và Sở Y tế Vĩnh Long đã phối hợp tập huấn cho nhân viên y tế và ban giám hiệu các trường về phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, sẵn sàng ứng phó khi phát hiện F0. Đồng thời, cũng yêu cầu phụ huynh trước khi con em đến trường cần theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt. Nếu phát hiện con em dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh cần báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm nắm để được hướng dẫn.

Ngày 14-2, các trường bậc học mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Cà Mau tổ chức đón học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Cà Mau, trong ngày đầu tiên, tỷ lệ học sinh bậc tiểu học đến trường đạt gần 80%, bậc mầm non là gần 32% trẻ đi học. Số học sinh vắng, ngoài tâm lý e ngại dịch bệnh của phụ huynh, còn có lý do là các trường chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày, thời gian đưa đón học sinh của phụ huynh gặp khó khăn. Trong đó, có 5 trường bậc mầm non ngoài công lập đã mở cửa đón trẻ, nhưng chưa có học sinh đi học trở lại.

Kiểm tra trực tiếp một số điểm trường trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý: “Trên cơ sở của tuần học đầu tiên ở bậc mầm non, tiểu học, các đơn vị trường học phải chủ động trong việc bố trí các phương án test nhanh sàng lọc, ổn định nề nếp, thực hiện đồng thời nhiệm vụ kép, trong đó, an toàn phòng chống dịch là ưu tiên cao nhất. Nếu trường nào có đủ điều kiện, trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, có thể tổ chức triển khai việc học bán trú cho học sinh ngay trong tuần học kế tiếp”.

Tại Đồng Tháp, trẻ mầm non học trực tiếp từ ngày 14-2, trước mắt học 1 buổi, việc tổ chức bán trú, học 2 buổi/ngày do Chủ tịch UBND huyện căn cứ quy định của UBND tỉnh và thực tế địa phương để quyết định đối với từng cơ sở giáo dục.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cũng đã đi kiểm tra thực tế một số điểm trường trước khi đón trẻ đi học trực tiếp trở lại.

Ngành chức năng tỉnh An Giang kiểm tra vệ sinh ở trường học. Ảnh: QUỐC BÌNH 

Tỉnh An Giang thống nhất chủ trương cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14-2. Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh chủ trương cho học sinh lớp 4, lớp 5 trở lại trường vào ngày 16-2; học sinh lớp 6, lớp 3, lớp 2, lớp 1 và mẫu giáo 5 tuổi trở lại trường vào ngày 21-2; trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi đi học trở lại vào ngày 28-2. Qua kiểm tra, hầu hết thủ trưởng các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm hướng dẫn của Sở GD-ĐT về kế hoạch tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Tại Kiên Giang, ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết, do trẻ mầm non, tiểu học chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nên trước khi đón học sinh trở lại, ngành giáo dục đã yêu cầu các trường tổ chức lấy ý kiến phụ huynh để tạo sự đồng thuận. Bên cạnh đó, chuẩn bị đón trẻ trở lại lớp học trực tiếp cũng được thực hiện chu đáo, đảm bảo tối đa an toàn phòng chống dịch Covid-19.  

“Về nội dung dạy học, trường sẽ điều chỉnh theo hướng dẫn của bộ và của sở nhằm đảm bảo trẻ được tiếp thu những nội dung trọng tâm, cốt lõi, chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ mầm non 5 tuổi sẵn sàng bước vào lớp 1. Trong hai tuần đầu, các trường thực hiện ổn định trường, lớp, nề nếp học tập, tổ chức ôn tập các nội dung quan trọng; từ tuần thứ ba trở đi sẽ dạy kiến thức mới”, ông Bảo thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục