Do cảng Quy Nhơn không đủ sức chứa
Sáng ngày 6-11, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Trong sáng nay tỉnh đã phối hợp với đại diện Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung (thuộc Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn - PV) cùng đi kiểm tra thực tế ở 1 số điểm, ban đầu chỉ phát hiện ván dầu lan trên biển. Các đơn vị đang tiếp tục kiểm tra thực tế sau đó trình phương án xử lý.
Về vấn đề tại sao các tàu lại không vào cảng neo đậu mà lại đậu ở phao số 0? Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho hay: “Các tàu này là tàu hàng vãng lai, họ đi qua khu vực này và thấy bão nên đã neo vào trú tránh chứ không phải tàu của tỉnh. Các tàu của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn từ trước bão theo chỉ đạo của UBND tỉnh.”
Cũng trong sáng 6-11, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết thêm: Do vùng neo trong cảng kẹt cứng, đã có đến 53 tàu neo đậu tại đây rồi nên không còn chỗ để các tàu hàng vào trú. Họ cũng không thể vào được và cũng không xin vào được bởi vì vào đây thì còn thiệt hại nặng hơn ở ngoài đó nữa.
Trước đó, vào chiều 5-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cùng đại diện Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung (thuộc Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn) đã đi kiểm tra thực tế sự cố tràn dầu tại khu vực biển dọc đường Xuân Diệu, Bãi trứng Hoàng Hậu, khu vực biển dọc Quốc lộ 1D thuộc phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, Bình Định) nơi tàu THANH HAI 18 và tàu FEI YUE9 (quốc tịch Panama) bị sóng đánh dạt vào mắc kẹt ở gềnh đá rạn nứt mạn khiến tràn dầu ra vùng biển.
Sau đó, các bên đã triệu tập cuộc họp đột xuất để đánh giá mức độ và đề ra biện pháp xử lý tình huống tràn dầu từ các tàu hàng bị chìm do bão số 12 gây ra.
Ngoài ra, Đại tá Nguyễn Sơn Định, Trưởng phòng ứng phó sự cố tràn dầu, Cục Cứu hộ cứu nạn, cho biết thêm: “Lực lượng xử lý tràn dầu hơn 10 thành viên đã vào tới Quy Nhơn mang theo nhiều dụng cụ để xử lý tràn dầu như phao hút dầu, giấy thấm dầu, phao quây dầu (mỗi loại khoảng 250 mét).”
Qua đó, Đại tá Định đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định cử các lực lượng tăng cường khảo sát nắm tình hình để phát hiện các vị trí tràn dầu và điều các lực lượng để khi có sự cố thì tổ chức thu gom ngay, không để dầu tràn vào bờ biển. Đồng thời, đối với các tàu mắc cạn nên chuyển tải và các tàu bị chìm trước trục mới phải sử dụng phao quây lại để tránh sự cố tràn dầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu kết luận: “Việc tràn dầu là có, như trong sáng nay tôi đi thực tế vùng biển gần phao số 0 thấy nhiều ván dầu nhưng mức độ như thế nào hiện nay tỉnh vẫn chưa nắm rõ".
Cũng theo ông Trần Châu, ngay trong chiều 5-11, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã làm việc với các chủ tàu bị nạn để kê khai về số lượng người, hàng hóa chở, lượng dầu hiện có trên tàu. UBND tỉnh đã giao Sở TNMT, Sở NN&PTNT, Phòng Cảnh sát Môi trường (CA tỉnh) và UBND TP Quy Nhơn ngày 6-11 tiếp tục khảo sát tại vùng biển có các tàu cá bị chìm.
“Cùng với việc có số liệu chính thức từ các chủ tàu sẽ có biện pháp xử lý lượng dầu tràn, theo phương châm thấy đến đâu làm đến đó, tuyệt đối không để dầu tràn vào bờ biển trung tâm thành phố…”, ông Châu cho hay.