Các tác giả trẻ - Học hỏi nhưng không bắt chước

Sau một thời gian làm mưa làm gió, sách tình cảm dành cho bạn đọc trẻ tuổi của các nhà văn Trung Quốc (thường được gọi là sách ngôn tình) dần thoái trào, các đầu sách không còn được đón nhận nồng nhiệt như trước. Thế nhưng, vài tuần gần đây, sách ngôn tình lại được nhắc đến với đủ mọi cung bậc, trong đó chiếm đa số là phê phán, lo ngại.
Các tác giả trẻ - Học hỏi nhưng không bắt chước

Sau một thời gian làm mưa làm gió, sách tình cảm dành cho bạn đọc trẻ tuổi của các nhà văn Trung Quốc (thường được gọi là sách ngôn tình) dần thoái trào, các đầu sách không còn được đón nhận nồng nhiệt như trước. Thế nhưng, vài tuần gần đây, sách ngôn tình lại được nhắc đến với đủ mọi cung bậc, trong đó chiếm đa số là phê phán, lo ngại.

        Món “độc” của giới trẻ

Rất khó có một định nghĩa cụ thể thế nào là sách ngôn tình. Theo thống kê của chính các bạn đọc trẻ, thì có khoảng từ 30 đến 50 loại sách ngôn tình khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách đơn giản nhất, ngôn tình là những câu chuyện tình yêu và thứ hai là dòng sách này chỉ dành riêng cho giới trẻ hay ít nhất là những bạn đọc không chú trọng quá đến chiều sâu của tác phẩm.

Các tác phẩm ngôn tình luôn bám sát những mối quan tâm, tò mò của giới trẻ. Có thể nói hầu như bất cứ cái gì người trẻ hiện nay quan tâm về mặt tình cảm đều có trong các tác phẩm, đủ mọi kiểu, từ tình yêu nam nữ, đến nam nam, nữ nữ (đồng tính), rồi tình tay ba, tay tư… từ hiện đại đến cổ trang rồi có cả viễn tưởng, luân hồi. Thậm chí có cả dòng bạo lực, hư ảo… Và đây cũng là điểm khiến ngôn tình gây phản cảm nhất cho các bậc phụ huynh, những nhà phê bình.

Các tác giả ngôn tình đa số viết để thỏa mãn tâm trạng tò mò, xúc động nhất thời của bạn đọc trẻ nên hầu như bỏ qua việc khai thác sâu về nội tâm các nhân vật hay thậm chí là tính hợp lý của các chi tiết. Chính vì thế, khi nhắc đến ngôn tình, người ta hay nhắc đến khái niệm “tình tiết cẩu huyết” để ám chỉ những chi tiết cực kỳ vô lý như kiểu nhân vật nam đối xử tàn bạo, đánh đập nhân vật nữ, thậm chí cưỡng hiếp, ép phá thai, đày đọa…

Còn nhân vật nữ vẫn quyết yêu đến cùng. Kết thúc cả hai hạnh phúc bên nhau (!?). Cũng vì điều này mà nhiều người đã phê phán ngôn tình là ru ngủ, là “thuốc phiện” khiến người trẻ chìm đắm trong ảo tưởng xa rời thực tế cuộc sống.

Bạn đọc giao lưu với tác giả Anh Khang tại Hội sách TPHCM.

Bạn đọc giao lưu với tác giả Anh Khang tại Hội sách TPHCM.

Tuy nhiên, không phải cứ ngôn tình là xấu. Có không ít tác phẩm ngôn tình đạt được những giá trị nhất định trong việc đem đến cho bạn đọc trẻ những khát vọng được yêu và được hạnh phúc. Thế nhưng, số tác phẩm này lại quá ít so với những tác phẩm viết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi vậy, dưới con mắt của những người “không còn trẻ”, ngôn tình là đại diện cho dòng văn chương “có hại”.

        Thành công không từ ngôn tình

Sau Hội sách TPHCM lần thứ 8 vừa qua, ngôn tình lại được nhắc đến. Lý do là vì có đến gần 2/3 sách bán chạy nhất hội sách là của các nhà văn trẻ và nhanh chóng những tác phẩm này bị một số nhà phê bình, một số nhà quản lý gán cho nó cái tên “sách ngôn tình Việt”. Nếu nhìn bên ngoài quả thật có vẻ giống, cũng là sách viết cho bạn đọc trẻ, cũng là chuyện tình yêu, cũng bán chạy thậm chí còn vượt qua nhiều tác phẩm nổi tiếng khác. Nhưng nếu nhìn nhận kỹ hơn sẽ dễ dàng nhận thấy, những tác phẩm đó thành công không phải vì chúng là ngôn tình, ít nhất là không phải kiểu ngôn tình như các tác phẩm Trung Quốc trước đây.

Lấy ví dụ như Buồn làm sao buông của Anh Khang, tác phẩm đứng đầu hội sách. Tác phẩm này chẳng có nam nữ đẹp rạng ngời hay giàu có vô biên, càng không có cái gọi là rời xa cuộc sống… Ngược lại, tác phẩm gồm những bài viết ngắn, như một dạng tản văn, thể hiện cảm xúc của tác giả về tình yêu, hạnh phúc, về nỗi đau chia cắt. Tất cả đều rất thật, rất đời, chẳng có chút gì là xa lạ hay khác thường. Trong những câu chuyện đó, bạn đọc đặc biệt là người trẻ có thể thấy những cảm xúc của mình, những rung động, những chua xót, những mối tình không thành…

Chính các tác giả của những tác phẩm bán chạy nhất cũng không cho rằng sáng tác của mình vượt trên các nhà văn nổi tiếng khác. Sự thành công của họ có một phần không nhỏ đến từ sách ngôn tình, họ biết học hỏi ưu điểm tìm kiếm nhu cầu của bạn đọc để có những tác phẩm viết gần gũi nhất với bạn đọc trẻ, đáp ứng những mong mỏi, những tình cảm của người trẻ. Họ biết tránh nhược điểm ảo tưởng, xa rời thực tế, mơ mộng viển vông để có những tác phẩm chân thật ở một mức độ nào đấy.

Dù rằng vẫn còn nhiều điều phải học hỏi về khai thác chiều sâu nội tâm của nhân vật, xây dựng nội dung xuyên suốt cho tác phẩm hay thậm chí là vấn đề về tư tưởng muốn chuyển tải nhưng ít nhất những thành công này đã khích lệ một bộ phận những tác giả trẻ, đang mày mò tiến bước trên con đường văn chương.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục