Tuyến đầu chống biến đổi khí hậu
Phát biểu tại hội nghị, Thư ký PIF, cựu Tổng thống Nauru Baron Waqa cho biết, các đảo quốc Thái Bình Dương đang ở trung tâm của lợi ích địa chính trị toàn cầu, ở tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ tạo ra 0,02% lượng khí thải carbon toàn cầu nhưng các quốc đảo trong khu vực đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, phải ứng phó với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, từ những cơn bão nhiệt đới mạnh đến các đợt nắng nóng kỷ lục ở đại dương. Bên cạnh đó, mực nước biển tại Thái Bình Dương đang dâng cao, thậm chí nhanh hơn mức trung bình trên toàn cầu, đe dọa tới hàng triệu người dân, nhất là ở các quốc đảo nhỏ.
Tại hội nghị này, lãnh đạo PIF dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thành lập quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu của khu vực. Đây là ý tưởng đã gặp trở ngại do các khoản đóng góp từ nước ngoài bị cạn kiệt. Họ cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh chóng khỏi dầu mỏ, khí đốt và các nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm cao khác.
Cũng tại hội nghị, đề cập thách thức lớn về an ninh mà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương đang phải đối mặt do cuộc khủng hoảng chính trị ở vùng lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp, Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đạt được thỏa thuận về tầm nhìn đối với một khu vực hòa bình và an ninh”.
Thiếu năng lực tài chính
Cũng tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho rằng “thế giới có nhiều điều để học hỏi từ các đảo quốc Thái Bình Dương” và phải hành động để hỗ trợ các sáng kiến của khu vực này.
Ông António Guterres nhấn mạnh những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với khu vực Thái Bình Dương: “Những quyết định mà các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra trong những năm sắp tới sẽ quyết định số phận, trước hết là của người dân trên các quốc đảo Thái Bình Dương, sau đó là người dân ở những nơi khác” và khẳng định: “Nếu chúng ta cứu được Thái Bình Dương, chúng ta sẽ cứu được thế giới”.
Ông António Guterres cho rằng tham vọng của các quốc đảo Thái Bình Dương về một Thái Bình Dương không có nhiên liệu hóa thạch là tiền đề cho Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và cho cả thế giới hành động. Tuy nhiên, ông cho biết khu vực này rất cần năng lực tài chính và công nghệ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đầu tư vào khả năng thích ứng và phục hồi.
Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương là tập hợp khu vực để giải quyết các vấn đề và thách thức cấp bách, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác trong việc theo đuổi các mục tiêu chung.
Được thành lập năm 1971, PIF bao gồm 18 thành viên: Australia, Quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Fiji, Polynesia (thuộc Pháp), Kiribati, Nauru, New Caledonia (thuộc Pháp), New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Cộng hòa Quần đảo Marshall, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu. Theo thống kê đến năm 2020, tổng dân số của PIF khoảng 42,8 triệu người, GDP danh nghĩa ước tính đạt 1.684 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 13.690 USD.