Ngày 17-6, tại Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (tức Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng), Chương trình SeafoodWatch (chương trình nghiên cứu đánh giá tác động môi trường thuộc Thủy cung Vịnh Moterey, Hoa Kỳ) và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace, CEIP) tổ chức “Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản và Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam”.
Đây là sự kiện kết nối kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy mối quan hệ cung - cầu giữa các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và nước ngoài, đem đến những cơ hội thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường và nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm thủy sản. Đồng thời nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đặt ra 2025 ngành tôm Việt Nam mang lại nguồn thu từ xuất khẩu là 10 tỷ USD.
Các “ông lớn” trong ngành tôm của Mỹ gồm Aramark, Bon Appettite, Santa Monica Seafoods, Fortune Fish&Gourmet và nhiều hệ thống phân phối lớn của Việt Nam đã có mặt tại Cà Mau để cùng tham gia Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, chiếm 40% diện tích, 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 4 tỷ USD.
Hiện nay tỉnh Cà Mau có trên 30 nhà máy chế biến, với công suất khoảng 200.000 tấn/năm, trong đó chế biến tôm là chủ yếu. Giá tôm có chứng nhận bình quân cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Sản phẩm tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia; trong đó thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.