Cuối cùng thì đại diện cho 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) tại thành phố Katowice (Ba Lan) đã đạt được thống nhất về lộ trình thực thi Hiệp định Paris năm 2015 về việc giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức dưới 2°C. Chủ tịch COP 24, ông Michal Kurtyka, gọi việc thông qua Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 vào cuối ngày 15-12, tại Katowice là “thời khắc lịch sử”.
Nút thắt cuối cùng được gỡ
Hội nghị đã tiến được một bước rất dài khi vượt qua rất nhiều bất đồng để thống nhất Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris 2015. Đây được xem là cột mốc đánh dấu việc thỏa thuận đạt được tại Pháp cách đây 3 năm về ứng phó với biến đổi khí hậu chính thức có giá trị, với những quy tắc cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực chống lại sự ấm lên của Trái đất. Theo đó, mỗi quốc gia sẽ được hướng dẫn để xây dựng các báo cáo về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính một cách minh bạch và cách thức để giảm mức phát thải này. Thị trường trao đổi tín chỉ carbon cũng sẽ có những quy tắc mới, rõ ràng hơn. Các nước phát triển cùng các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư quốc tế sẽ chung tay nhiều hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.
Trước đó, đa số các nước thành viên đều tái khẳng định sự ủng hộ đối với báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC). Tuy nhiên, bất đồng đã nảy sinh giữa các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt liên quan tới cách diễn đạt trong báo cáo của IPCC, vạch ra những lý do cần phải giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở dưới ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp cũng như giảm lượng khí phát thải nhà kính. Một bất đồng nữa là cách thức xác định mức độ hỗ trợ cho các nước đang chịu nhiều thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu.
Trước nguy cơ COP24 thất bại sau 10 ngày làm việc, Tổng Thư ký LHQ Anonio Guterres đã một lần nữa quay trở lại Katowice để hối thúc các nhà lãnh đạo và các đoàn đàm phán thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc bảo vệ Trái đất trước hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ông đã có một bài phát biểu thứ hai ở COP24, sau lần phát biểu ở ngày khai mạc, với những lời lẽ mạnh mẽ hơn, thôi thúc các quốc gia tìm tiếng nói chung trong những ngày ngắn ngủi còn lại của hội nghị.
Quyết tâm ấy của LHQ còn được thể hiện thông qua việc kéo dài chương trình làm việc của COP24 thêm một ngày, để các nhà đàm phán có thêm giời gian thảo thuận, giải quyết những khúc mắc còn tồn đọng. Để rồi, nút thắt cuối cùng ấy cũng được tháo gỡ, với việc các nhà lãnh đạo thông qua Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris.
Vẫn còn nhiều thách thức
Hội nghị COP 24 diễn ra trong bối cảnh hàng loạt báo cáo mới nhất cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết và lượng khí thải carbon toàn cầu được dự báo tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua tháng 12-2015 đến COP24 tại Katowice, Trái đất tiếp tục ấm lên một cách đáng báo động. 4 năm gần đây nằm trong số những năm nóng nhất kể từ khi các số liệu quan trắc được ghi nhận từ thế kỷ 19, theo Tổ chức Khí tượng thế giới. Và 20 năm nóng nhất trong hơn 100 năm qua rơi vào khoảng thời gian 22 năm trở lại đây. Với đà nóng lên như thế này, Trái đất sẽ nóng hơn 3-4°C vào cuối thế kỷ 21. Nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là một thảm họa đối với Trái đất và con người, bởi băng ở các cực và trên các đỉnh núi sẽ tan, nước biển sẽ dâng cao, bão lụt sẽ ngày càng để lại nhiều hậu quả khủng khiếp hơn.
Tại COP24, các báo cáo đặc biệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người, báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ về cơ hội giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực xây dựng và báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) về dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng băng tan tại khu vực Nam Cực đã phát đi những tín hiệu cảnh báo rất đáng báo động.
Tuy nhiên, thành công của COP24 ở Katowice là không thật sự trọn vẹn, khi trong suốt thời gian 2 tuần diễn ra hội nghị, những bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia đã được phơi bày. Việc Mỹ - một trong những quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới - tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris, hay một số nước khác như Brazil, Nga, Saudi Arabia, Trung Quốc... bảo vệ quan điểm khá cứng rắn trong việc ưu tiên phát triển kinh tế... đã để lại những dư vị không mấy ngọt ngào cho COP24, có thể cản trở nhiều đến nỗ lực chung của toàn nhân loại.
Việc đạt được Thỏa thuận Paris cách đây 3 năm và thông qua Chương trình nghị sự thực hiện thỏa thuận này ở Katowice là những bước tiến quan trọng trong hành trình đầy chông gai cứu Trái đất trước khi quá muộn. Dù cả thế giới đều nhận thức được nguy cơ của biến đổi khí hậu, song quan điểm và cách tiếp cận trong việc ứng phó vẫn còn quá nhiều khác biệt, và lợi ích trong việc phát triển kinh tế vẫn được coi trọng hơn vấn đề bảo vệ môi trường.