Các nước Mekong - Lan Thương xây dựng cộng đồng hòa bình, thịnh vượng

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch hành động hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương.

Chiều 25-12, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 4 với chủ đề “Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai và hiện đại hóa giữa các nước Mekong - Lan Thương” đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của Thủ tướng, Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Hội nghị tập trung đánh giá kết quả hợp tác Mekong - Lan Thương trong 3 năm qua và thảo luận phương hướng cho giai đoạn tới; khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai hòa bình, thịnh vượng giữa các nước Mekong - Lan Thương.

img8732-17034948659152046011551-2334.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự HNCC Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch hành động hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác Mekong - Lan Thương đã trở thành cơ chế quan trọng gắn kết các nước Mekong và Trung Quốc, là hình mẫu hợp tác cùng phát triển và cùng thắng.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững. Thủ tướng cho rằng, trước những chuyển đổi nhanh chóng và sâu sắc của kinh tế thế giới, để sáu nước Mekong - Lan Thương vươn lên mạnh mẽ, cần một tư duy mới toàn diện hơn, cùng cách tiếp cận toàn dân, toàn khu vực, toàn cầu và những giải pháp mới, quyết liệt, sáng tạo, đột phá.

Với quan điểm như vậy, Thủ tướng đã đề xuất ba nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới gồm: Thứ nhất, xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hiện đại và phát triển, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng các nền kinh tế Mekong - Lan Thương độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thứ hai, xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa hiện tại và tương lai, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực và mục tiêu của phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ ba, xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình và hợp tác. Các đánh giá và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính được hội nghị đánh giá cao và đưa vào các văn kiện của hội nghị.

Tin cùng chuyên mục