Ngày 19-2, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda đã hoan nghênh thông báo của Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong thời gian còn lại của năm 2017 như một phần của các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Cùng với Nhật Bản, Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc duy trì sức ép đối với Triều Tiên nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Sức ép từ các cường quốc
Phát biểu trên kênh truyền hình ngày 19-2, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản nêu rõ: “Mối đe dọa từ Triều Tiên đã gia tăng, bao gồm việc phát triển tên lửa của nước này. Quyết định của Trung Quốc là một động thái đáng được hoan nghênh”. Nhật Bản cũng hối thúc Triều Tiên phải kiềm chế phát triển tên lửa và hạt nhân, thông qua việc gây áp lực và đối thoại đối với Bình Nhưỡng.
Từ ngày 19-2 đến 31-12-2017, Trung Quốc sẽ tạm ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên
Trước đó, ngày 18-2, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẽ tạm ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên từ ngày 19-2 đến 31-12-2017, bất chấp Triều Tiên là nước xuất khẩu than lớn, hầu hết lượng than nước này sản xuất đều chuyển tới Trung Quốc.
Trong một tuyên bố ngày 18-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng các quốc gia đều có trách nhiệm thực thi đầy đủ và rõ ràng toàn bộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đối với Triều Tiên. Tuyên bố này của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tương tự lời hối thúc mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 17-2 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức.
Tiếp tục trừng phạt hay nỗ lực chính trị, ngoại giao?
Trước việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công một loại tên lửa đạn đạo mới từ tầm trung đến tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này chưa từ bỏ hy vọng về một vòng đàm phán mới với Triều Tiên để ngăn Bình Nhưỡng có thêm những bước tiến trong chương trình vũ khí của mình, điều vi phạm các nghị quyết của LHQ.
Sau khi Bình Nhưỡng đơn phương rút khỏi đàm phán kể từ năm 2009, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã tìm nhiều cách để thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Nga cũng lo căng thẳng gần biên giới gia tăng sau khi Triều Tiên thử tên lửa.
Theo Nga, vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên lần này sẽ buộc cộng đồng quốc tế đưa ra các tham vấn mới mà trước hết là tại HĐBA LHQ. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc các lệnh trừng phạt mới đây của LHQ không thể buộc Triều Tiên ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, ông Leonid Slutsky cho rằng áp đặt hình phạt nặng hơn hay đưa ra những biện pháp ngăn chặn tên lửa, sẽ chỉ làm tình hình thêm nghiêm trọng và không thể buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên nhượng bộ. Nga luôn duy trì quan điểm cho rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân và những rắc rối trên bán đảo Triều Tiên là tiếp tục nỗ lực chính trị và ngoại giao để đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán 6 bên.
Cho đến lúc này, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa có động thái nào mặc dù thế giới đang nóng lòng chờ đợi phản ứng của Washington. Vụ thử được cộng đồng quốc tế nhận định là “phép thử” cho chính quyền mới ở Washington đối với cam kết bảo vệ đồng minh (Hàn Quốc, Nhật Bản) ở châu Á. Vì nếu như chính quyền D.Trump áp thêm các lệnh trừng phạt nhắm vào chính quyền Bình Nhưỡng hay tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa (như hệ thống THAAD đặt ở Hàn Quốc), thì những lựa chọn này không khác gì mấy so với phản ứng của chính quyền ông Obama từng làm.
HẠNH CHI (tổng hợp)