Tính đến tháng 10-2021, 44 quốc gia đã có kế hoạch chiến lược AI quốc gia của riêng mình, cho thấy họ sẵn sàng vượt lên trong cuộc đua AI toàn cầu. Trong số đó có các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia đang dẫn đầu trong việc xây dựng các kế hoạch AI quốc gia.
Oxford Insights, một công ty chuyên tư vấn cho các tổ chức và chính phủ về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số, đã xếp hạng mức độ sẵn sàng của 160 quốc gia trên thế giới khi sử dụng AI trong các dịch vụ công trong năm 2021. Theo đó, Mỹ đứng đầu, tiếp theo là Singapore và Anh. Các khu vực có điểm số thấp nhất bao gồm phần lớn khu vực đang phát triển, chẳng hạn như khu vực cận Sahara ở châu Phi, khu vực Carribean và Mỹ Latinh, cũng như một số quốc gia Trung và Nam Á.
Khu vực phát triển có một lợi thế vượt trội trong việc đạt được tiến bộ nhanh chóng trong cuộc cách mạng AI. Với tiềm lực kinh tế lớn, các quốc gia giàu có này có điều kiện tốt nhất để đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển cần thiết cho việc tạo ra các mô hình AI hiện đại. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển thường có những ưu tiên cấp bách hơn, chẳng hạn như giáo dục, y tế và cung cấp thức ăn cho người dân, nên không còn nguồn lực để đầu tư đáng kể vào chuyển đổi kỹ thuật số. Vì vậy, khoảng cách về AI giữa các nước này với các nước phát triển ngày càng xa.
Để phát triển AI đòi hỏi một cơ sở hạ tầng phức tạp về lưu trữ dữ liệu và phần cứng máy tính hiện đại. Các quốc gia đang phát triển thường không đủ khả năng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng máy tính quy mô lớn như vậy. Bên cạnh yếu tố tích cực, việc phát triển AI cũng mang lại hệ lụy. Ví dụ, một mạng lưới AI hiện đại có chi phí lên tới 150.000USD và sẽ tạo ra khoảng 650kg khí thải CO2 trong quá trình thiết lập (tương đương khí thải của một chuyến bay từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ).
Các nước phát triển là những nước làm gia tăng lượng khí thải CO2 nhiều nhất, nhưng gánh nặng hậu quả của lượng khí thải đó lại đổ lên vai các nước đang phát triển. Cụ thể, Nam bán cầu phải hứng chịu các cuộc khủng hoảng về môi trường như thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt và ô nhiễm. Các nước đang phát triển cũng ít được hưởng lợi nhất từ những tiến bộ của AI và tất cả những gì tốt đẹp mà nó có thể mang lại - bao gồm cả việc xây dựng khả năng chống chịu với thiên tai.
Theo một nghiên cứu năm 2020, AI có thể giúp đạt được 79% mục tiêu trong các mục tiêu phát triển bền vững. Lợi ích của AI ở Nam bán cầu có thể là rất lớn - từ cải thiện điều kiện vệ sinh, hỗ trợ giáo dục, đến cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn. Nếu thế giới muốn đạt được giá trị thực sự của AI, thì phải tăng cường sự tham gia của tất cả các nước vào việc phát triển và sử dụng công nghệ. Điều này có nghĩa là, các nước phát triển cần chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các nước đang phát triển trong cuộc cách mạng AI. Trong dài hạn, sự hỗ trợ này sẽ tạo ra những lợi ích đáng kể và lâu dài cho tất cả mọi người.