Theo danh sách được công bố, Ấn Độ ở vị trí đầu bảng, tiếp theo là Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Brazil, Việt Nam, Mỹ, Anh, Philippines và Thái Lan.
Với báo cáo 2 năm/lần này, Kearney theo dõi các diễn biến về chỉ số dịch vụ ở 60 quốc gia với 4 hạng mục chính, gồm: sức hấp dẫn về tài chính; kỹ năng và sự sẵn có nguồn nhân lực; môi trường kinh doanh và cộng hưởng kỹ thuật số. Đáng chú ý, Malaysia nổi lên nhờ Kế hoạch Malaysia 12, theo đó, trong 5 năm tới, Malaysia đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực chiến lược và có tác động cao, bao gồm điện và điện tử, dịch vụ toàn cầu và hàng không vũ trụ. Dịch vụ toàn cầu bao gồm dịch vụ kinh doanh toàn cầu (GBS) và các hoạt động được xem là nguồn đóng góp chính cho các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ.
Giám đốc Điều hành của hãng tư vấn tài chính AGOS ASIA (Malaysia) Joon Teoh cho biết, chỉ số GBS sẽ cho phép các tập đoàn đa quốc gia lớn và tổ chức tập trung vào các hoạt động kinh doanh như tài chính, nhân sự, công nghệ thông tin ở một số quốc gia cung cấp các dịch vụ chia sẻ. Theo chuyên gia Joon Teoh, các trung tâm GBS phục vụ chính nhân sự của họ trên khắp thế giới. Nếu nhân viên của họ phải đi công tác nước ngoài thì vé máy bay, các khoản thanh toán… đều sẽ được quản lý bởi các trung tâm GBS đặt tại Malaysia hoặc các quốc gia khác thông qua công nghệ. Chính phủ Malaysia luôn chú trọng đến sự phát triển của GBS trong nước và đang đưa GBS trở nên có giá trị thông qua thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số.
Xác định làn sóng mới
Theo báo cáo của Kearney, sự xuất hiện của “mạng lưới các trung tâm kỹ thuật số” trên toàn thế giới đang thay đổi cách các tập đoàn toàn cầu đáp ứng nhu cầu dịch vụ kỹ thuật số của họ. Các tác giả của báo cáo đã xác định được 3 làn sóng phát triển chính trong các mô hình cung cấp dịch vụ những năm qua là gia công, thuê ngoài và không biên chế. Giờ đây, làn sóng thứ 4 “cộng hưởng kỹ thuật số” là ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp và những người ra quyết định. Tuy nhiên, tỷ trọng tài chính trong hơn 47 chỉ số đánh giá chiếm tới 35%, vì chi phí thường là động lực chính đằng sau các quyết định về địa điểm. Trong khi kỹ năng và sự sẵn có của nguồn nhân lực, cùng với môi trường kinh doanh chiếm 25%, thì hạng mục mới “cộng hưởng kỹ thuật số” chiếm 15% và được dự báo sẽ mạnh lên trong vài năm tới.
Báo cáo đưa ra thước đo “cộng hưởng kỹ thuật số” để đánh giá các quốc gia dựa trên kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động, kết quả kỹ thuật số, số lượng hoạt động của doanh nghiệp, sự bảo vệ hợp pháp đối với sở hữu trí tuệ và các yếu tố khác của hoạt động kinh doanh. Arjun Sethi, đối tác tại Kearney và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Sẽ thiếu sót nếu cho rằng sự tăng trưởng về nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghiệp viễn thông và công nghệ cao. Các quốc gia đầu tư và đẩy nhanh tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số đang đặt nền tảng cho khả năng cạnh tranh trong tương lai trên phạm vi toàn cầu. Dựa trên các xu hướng hiện tại và các cuộc thảo luận của chúng tôi với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chúng tôi kỳ vọng điểm cộng hưởng kỹ thuật số trở nên nổi bật hơn trong quá trình ra quyết định kinh doanh những năm tới”.