Ngày 9-12, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) đã kêu gọi Mỹ từ bỏ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, và cho rằng động thái này sẽ làm gia tăng bạo lực trong khu vực.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp khẩn tại thủ đô Cairo của Ai Cập, AL cho biết quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế", không có hiệu lực và sẽ đảo ngược chính sách theo đuổi lâu nay của Mỹ là quy chế của Jerusalem phải được quyết định trong các cuộc thương lượng với người Palestines vốn mong muốn đặt thủ đô nhà nước tương lai của họ ở Đông Jerusalem.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Liban Gebran Bassil cho rằng, các nước Arab cần cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Mỹ, nhằm ngăn chặn việc Washington dời đại sứ quán tại Israel đến thành phố Jerusalem.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Bassil cho biết các biện pháp tiên quyết để chống lại quyết định của Mỹ phải được tiến hành, ban đầu là biện pháp ngoại giao, sau đó là chính trị, tiếp theo là trừng phạt kinh tế và tài chính.
Cũng tại cuộc họp, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như việc dời đại sứ quán đến thành phố này.
Theo ông Jubeir, toàn bộ cộng đồng quốc tế phải tăng cường nỗ lực tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Một thành viên Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Wasel Abu Yusuf cho biết, Palestines sẽ cố gắng tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế, dưới sự dàn xếp của LHQ và có sự tham gia của những người bạn - Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác, để tái khẳng định sự cần thiết của việc tuân thủ các nghị quyết liên quan đến vấn đề Palestine của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an LHQ.
Theo ông Yusuf, mặc dù có nhiều bất đồng trong quá khứ nhưng cả 2 phong trào Hamas và Fatah của Palestine đều phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ của mình bất chấp sự không công nhận của cộng đồng quốc tế.