Người điều phối dự án nghiên cứu trên, Ruben Fernandes cho biết, chất tạo miễn dịch được bào chế từ thực vật và các vi sinh vật được sửa đổi gen có lợi cho sức khỏe. Những lợi khuẩn này là những chất tăng cường miễn dịch tự nhiên, nhưng ở loại vaccine nói trên, chúng được sử dụng để tạo ra một chất mới giúp miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2.
Theo ông Fernandes, nghiên cứu này không nhằm thay thế những công nghệ phát triển vaccine hiện nay, thay vào đó mục đích là nhằm tăng cường hệ miễn dịch để các loại vaccine đang được sử dụng hiện nay hoạt động hiệu quả hơn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đối với một số sản phẩm từ thực vật và những lợi khuẩn, cho thấy kết quả khả quan. Dự kiến, họ sẽ cho thử nghiệm trên động vật trong thời gian tới. Nếu thành công, các nhà khoa học hy vọng loại vaccine trên có thể được cung cấp rộng rãi cho người dân trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới.
Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là bào chế được loại vaccine giá thành rẻ và nguồn cung bền vững.
Theo ông Fernandes, ý tưởng đưa vaccine vào thực phẩm đã được sử dụng trước đây, ví dụ các loại vaccine ngừa những bệnh truyền nhiễm như uốn ván, bạch hầu, viêm gan B... đã được đưa vào khoai tây. Ngoài khoai tây, các loại vaccine phòng viêm gan B cũng đã được đưa vào gạo và chuối. Vaccine ngừa chủng virus đầu tiên trong dòng virus SARS (gây hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng) cũng đã được đưa vào cà chua.