Phát biểu tại sự kiện chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ (KH-CN) Việt Nam 18-5, 65 năm thành lập Bộ KH-CN (1959-2024) và trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, sáng 15-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế” và “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo”.
Theo Thủ tướng, KH-CN và đổi mới sáng tạo chính là yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - 2 trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam hiện nay. KH-CN và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu. Phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về các nguồn lực...
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền KH-CN của đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về vai trò của KH-CN và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là với khoa học xã hội và nhân văn. Cơ chế, chính sách quản lý KH-CN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KHCN; chưa có đột phá trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng; trong khi đó, cạnh tranh thu hút nhân tài KH-CN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thị trường KH-CN phát triển còn chậm; chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả; kết nối cung cầu về KH-CN, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ chế thương mại hóa sản phẩm KH-CN còn chưa đột phá để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ các nhà khoa học, người làm KH-CN còn chưa nhiều, chưa đồng đều; việc đào tạo nhà khoa học và công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN chưa được chú trọng ở cả cấp độ cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20-NQ/TW Trung ương khóa XI về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trước mắt, tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn: xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KH-CN và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực KH-CN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KH-CN; tập trung phát triển mạnh thị trường KH-CN để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KH-CN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác KH-CN và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân...
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần có những chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng, như: tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam... để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KH-CN tiên tiến, hội nhập thế giới.
Đối với các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia.
“Đất nước ta, xã hội chúng ta đang rất cần sự dấn thân, vượt qua khó khăn, trở ngại của các nhà khoa học để thực hiện thành công các nhiệm vụ KH-CN, đổi mới sáng tạo, góp phần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc và đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.