Cạnh tranh gia tăng
Google là một trong những tập đoàn công nghệ toàn cầu đầu tiên yêu cầu các nhà cung cấp phải mở rộng xây dựng năng lực sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc do căng thẳng thương mại leo thang giữa Bắc Kinh với Washington.
Điểm đến của họ là khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ có nguy cơ chứng kiến đơn đặt hàng rơi vào tay các đối thủ đến từ Trung Quốc hiện cũng đang đổ xô đến khu vực này. Google đang yêu cầu nhà cung cấp Trung Quốc Goertek xây dựng nhà máy lắp ráp đồng hồ Pixel ở Việt Nam.
Một nguồn thạo tin cho biết, các đơn đặt hàng lắp ráp thiết bị này từ lâu đã được dành riêng cho các công ty Đài Loan, nhưng Goertek sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phiên bản mới nhất của chiếc đồng hồ Pixel vào năm 2025. Hiện tại vẫn chưa rõ bên nào sẽ giành được đơn đặt hàng cho năm 2026.
Theo một số nguồn tin khác, tập đoàn BYD của Trung Quốc đang đấu thầu để sản xuất điện thoại Pixel ở Đông Nam Á, dù Google chưa đưa ra quyết định về vấn đề này. BYD sản xuất iPad của Apple và có năng lực sản xuất lớn ở Đông Nam Á.
Tham vọng của Goertek và BYD nhấn mạnh sự cạnh tranh gia tăng trong chuỗi cung ứng công nghệ. Giám đốc điều hành Công ty New Kinpo của Đài Loan, đã sản xuất nhiều sản phẩm ở Thái Lan trong hơn 30 năm, cho biết: “Chúng tôi cảm nhận được sức nóng và hiện đang cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ như BYD, Goertek và Luxshare”.
Mở rộng hơn nữa
Đông Nam Á đã nổi lên như là khu vực sản xuất chủ lực một phần nhờ căng thẳng thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh. Sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc và chi phí lao động thấp hơn đáng kể đã biến các quốc gia trong khu vực trở thành lựa chọn hàng đầu để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vì các công ty có thể dễ dàng gửi các bộ phận do Trung Quốc sản xuất tới các thị trường này để lắp ráp tại các nhà máy địa phương.
Các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc nằm trong số những bên quyết liệt nhất trong việc xây dựng các nhà máy bên ngoài Trung Quốc. Căng thẳng chính trị không phải là yếu tố duy nhất đẩy các nhà cung cấp của Trung Quốc dịch chuyển ra nước ngoài.
Theo ông Lai Ming-Kuen, Tổng Giám đốc Công ty xây dựng Acter, sự suy thoái kinh tế cũng đã thúc đẩy nhiều công ty Trung Quốc khám phá các cơ hội quốc tế. Ông Jeff Lin, nhà phân tích công nghệ đến từ Công ty tư vấn công nghệ Omdia, nhận định, các công ty hàng đầu của Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa ra nước ngoài. Sự thúc đẩy từ bên ngoài này được dẫn dắt bởi mục tiêu chiến lược là kiếm được nhiều ngoại tệ hơn và đưa khoản thu nhập đó trở lại Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Vincent Chang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á và liên lục địa tại Advantech, nhà sản xuất máy tính công nghiệp lớn nhất thế giới, cho biết trước đây, việc cạnh tranh với các nhà cung cấp Trung Quốc về cơ bản chỉ diễn ra ở Trung Quốc, nhưng giờ đây phải đối mặt với sự cạnh tranh nghiêm trọng ở Đông Nam Á.