Dồn dập khai trương siêu thị
Nhận xét về thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Thamban Kanna Poduval, Giám đốc Tập đoàn Lulu, Dubai, nhấn mạnh: Việt Nam đang nổi lên là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Với hơn 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp bán lẻ. Có lẽ vì vậy nên thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã thu hút những tập đoàn lớn trên thế giới. Tưởng rằng như vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ teo tóp dần, nhưng thực tế không phải.
“Hiện nay mô hình bán lẻ trên thị trường có 3 loại: Big-mall (trung tâm thương mại), cửa hàng nhỏ và tạp hóa. Các nhà bán lẻ trong nước cũng tăng tốc trong cuộc đua đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi”, ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), chia sẻ khi đơn vị vừa đưa vào hoạt động trung tâm thương mại trên đường Võ Văn Kiệt, quận 6, với tổng diện tích gần 30.000m², quy mô 6 tầng nổi và 1 tầng hầm.
Đây là trung tâm thương mại thứ 4 và có quy mô lớn nhất trong chuỗi bán lẻ của SATRA, đáp ứng nhu cầu của cư dân các quận 5, 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú. Như vậy, hệ thống bán lẻ của SATRA đã đạt con số gần 200 điểm bán.
Không kém cạnh, chỉ tính riêng trong tháng 1 năm nay, Saigon Co.op đưa vào hoạt động 3 siêu thị, gồm một siêu thị Co.opXtra ở TP Thủ Đức và 2 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra ở quận 8, nâng tổng số điểm bán lẻ của toàn hệ thống cả nước lên 800 điểm. Saigon Co.op là một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam, với nhiều loại hình bán lẻ đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, từ đại siêu thị là mô hình Co.opXtra đến siêu thị hiện đại Co.opmart, trung tâm thương mại Sense City và các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, Co.op Smile, Finelife…
![Co.op mart Phạm Thế Hiển (quận 8, TPHCM) được đưa vào khai thác từ tháng 9-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG F5B.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rfnan/2025_02_06/f5b-2311-4276.jpg.webp)
Năm 2025, Saigon Co.op còn trình làng nhiều mô hình siêu thị ứng dụng công nghệ AI trong quảng bá sản phẩm, thanh toán tự động và nhận diện nhu cầu tiêu dùng của khách hàng… “Cùng với việc tăng điểm bán, Saigon Co.op kết hợp đầu tư tăng tiện ích trải nghiệm khách hàng, tích hợp công nghệ và phát triển các kênh thương mại điện tử để cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế”, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ.
Đáng chú ý, thị trường bán lẻ còn có sự gia nhập của nhiều “ông lớn Việt” gồm: Masan; Thế Giới Di Động; xây dựng, không ngừng mở rộng hệ sinh thái đa dạng từ bán lẻ đến dịch vụ tiện ích bằng chuỗi hệ thống WinMart và WinMart+; Bách Hóa Xanh... Tính đến cuối năm 2024, chuỗi bán lẻ King Food (bán trực tiếp và trực tuyến) đã đạt con số 80 siêu thị tại TPHCM và Bình Dương sau 6 năm ra mắt thị trường.
Gia tăng mô hình bán lẻ đa tiện ích
Nhận xét tổng quan về thị trường bán lẻ Việt Nam, theo số liệu của ngành công thương năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam ước khoảng 350 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2023. Lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng trưởng 20%, đạt quy mô 20,5 tỷ USD. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi và sự phát triển của ngành du lịch, với lượng khách quốc tế đạt gần 18 triệu lượt, tăng gần 40% so với năm 2023.
![Tham quan triển lãm hàng hóa xuất khẩu tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG F1b.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rfnan/2025_02_06/f1b-178-5850.jpg.webp)
Theo ông Nguyễn Anh Đức, nhằm hỗ trợ thị trường bán lẻ nội địa, Chính phủ đã có những chính sách giảm thuế, khuyến khích đầu tư nước ngoài và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành bán lẻ bứt phá. Đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ban hành ngày 30-11-2010 về việc hàng hóa nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT).
Điều này có nghĩa là từ thời điểm đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả những mặt hàng trị giá dưới 1 triệu đồng, sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế VAT, nhằm đảm bảo công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước, góp phần tăng thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Đáng chú ý, Bộ Công thương đã triển khai nhiều chương trình và chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành bán lẻ Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng về Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm nhấn quan trọng là Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, gồm các hoạt động hội chợ, chuyến hàng quảng bá sản phẩm - hàng hóa sản xuất trong nước, cùng các chương trình đào tạo, tập huấn và truyền thông liên quan đến xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó là việc triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt…
Nhằm thúc đẩy sự lớn mạnh của bán lẻ “thuần Việt”, Bộ Công thương cũng như cơ quan chức năng nên cam kết đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho ngành bán lẻ nội địa để nâng cao năng lực cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh đó, có chính sách tài chính linh hoạt, phù hợp cho vay kinh doanh bán lẻ, nhất là các gói vay cho những chủ thể bán lẻ thuộc diện doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ hoặc các cơ sở kinh doanh cá thể, có cơ chế bảo lãnh tín dụng, tiếp cận các quỹ tài chính… Dĩ nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, bản thân nhà bán lẻ cũng phải thay đổi.
Ths Dương Minh Thông, Tổng Giám đốc Lyon Agency, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, nhận xét: Hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong thập niên qua. Sự thay đổi từ các cửa hàng truyền thống, chợ dân sinh sang các mô hình hiện đại như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và thương mại điện tử, đã định hình lại hành vi tiêu dùng. Các nhà đầu tư cần chiến lược phát triển dài hạn, sự linh hoạt trong vận hành và sự nhạy bén trước những thay đổi từng ngày của thị trường.